Thứ sáu, ngày 13/12/2013, nền tân nhạc Việt Nam lại chịu thêm một mất mát lớn khi chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một trong những nhạc sỹ có dấu ấn khó phai mờ: nhạc sỹ Huỳnh Anh. Vậy là thêm một nhạc sỹ lão thành đi về miền cực lạc, cùng với Phạm Duy (01/2013), Văn Giảng (05/2013), Hoàng Hà (09/2013). Vĩnh biệt nhạc sỹ Huỳnh Anh (1932 – 2013) Nhạc sỹ Huỳnh Anh trong Paris By Night 74 Xin chia buồn cùng gia quyến và cầu nguyện cho linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng! Nhân dịp này chúng tôi xin gởi đến quý vị yêu nhạc sáng tác đầu tay của nhạc sỹ Huỳnh Anh: bản ‘Em gắng chờ’. Cũng giống như hầu hết các sáng tác cuối thập niên 1950 của Nguyễn Văn Đông hay Lam Phương, bản ‘Em gắng chờ’ phảng phất sự lãng mạn và giai điệu nhẹ nhàng đặc trưng của dòng nhạc tiền chiến. Nhân đây cũng cần nói thêm là nhạc sỹ Huỳnh Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc (thân phụ là danh cầm Sáu Tửng) và bản thân ông biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống. Chính những yếu tố này, cùng với những năm tháng chơi nhạc cho các vũ trường đã tạo nên một Huỳnh Anh sáng tác rất đa dạng về giai điệu: thanh thoát đầy tính nghệ thuật trong ‘Em gắng chờ’, tango lả lướt trong ‘Kiếp cầm ca’, bolero dìu dặt trong ‘Mưa rừng’, ‘Lạnh trọn đêm mưa’ hay blues giàu cảm xúc trong ‘Thuở ấy có em’. Nhạc sĩ Huỳnh Anh vừa lặng lẽ ra đi tại một bịnh viện thuộc thành phố San Francisco lúc 3g00 chiều ngày thứ sáu 13 tháng 12 năm 2013. Tin "Anh Ba" Huỳnh Anh nhập viện trở lại đã được ca sĩ Trúc Mai thông báo trong đêm Tiếng Hát Bích Chiêu ngày 24 tháng 11/2013 tại Quận Cam. Cách đây 1 tuần, thứ sáu 6 tháng 12, Phương Hồng Quế gọi cho nhạc sĩ Huỳnh Anh dựa trên số điện thoại mà Trúc Mai đã đưa, Quế nói: "Anh Ba ơi, tình hình sức khỏe anh giờ thế nào, tụi em dưới này nghe tin chị Trúc Mai báo lo quá?". tiếng nói tác giả Mưa Rừng trả lời rất yếu trên điện thoại: "Mệt lắm em ơi.. Bác sĩ sẽ cho biết rõ ràng 2 ngày nữa..". Quế tiếp: "Anh ráng khỏe lại, rồi xuống đây nhé. Mấy anh chị Ngọc Chánh, Thanh Thúy, Jimmy Tòng, A. Thời Bida, ban nhạc Trung Nghĩa, nhóm anh Cử.. muốn làm một đêm Huỳnh Anh vào tháng 1 tới đây. Em và T.Q.Bảo lấy được vũ trường Avec thì tốt, còn không thì làm ở Bleu Club cũng được. Hôm đó Anh phải bay xuống nhé". Không biết vì sức khỏe cạn kiệt hay xúc động, anh thều thào những câu nói rất nhỏ: "Cám ơn mọi người hộ anh nhé.. Phải coi sao đã, chứ anh mệt lắm rồi..". Và hình như sau đó, không còn nghệ sĩ nào có thể gọi được cho anh nữa. Tất cả cuộc gọi cho Huỳnh Anh đều đi vào tin nhắn. Chiều hôm nay, trong buổi cơm hội ngộ với ca sĩ Thanh Phong từ Pháp sang, buổi ăn có Phượng Linh, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế, TQB.. tin Huỳnh Anh vừa ra đi lúc 3g00 chiều do nhạc sĩ Jimmy Tòng từ Las Vegas thông báo đã làm cho cả nhóm bàng hoàng. Trước đó, tiếng hát của nhóm "Sao Băng" Thanh Phong dự tính sẽ từ Paris bay sang tham dự nếu Ban Tổ Chức cho biết ngày giờ cụ thể.. Mới nói với nhau, vậy mà giờ đây.. những giọt "Mưa Rừng" đã ngừng rơi. Vĩnh biệt Anh, tay trống và giòng nhạc tài hoa. Vĩnh biệt nụ cười đôn hậu. Vĩnh biệt những đêm nhạc vũ trường Saigon ngày nào với tiếng cười, tiếng trống lẫn tiếng hát Huỳnh Anh.. Ai ai cũng yêu Mưa Rừng, riêng tôi, một cậu bé ngày nào, khi xem phim Loan Mắt Nhung về, cứ ngồi khóc mãi, bởi ca khúc nhạc phim Huỳnh Anh đã viết, có những lời ca ngậm ngùi: "Lòng phố khuya bước chân còn khua dài Tìm về thơ ấu đếm ngày qua Khóc chi nhiều đã bao chiều chỉ riêng mình thêm cô liêu Qua vùng thương hận thêm tóc rối tù đày ngõ tối đam mê" Theo tư liệu, dưới đây là vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Huỳnh Anh: Huỳnh Anh (sinh 1932 tại Cần Thơ) là một nhạc sĩ Việt Nam, tác giả của những ca khúc được nhiều người biến đến như Mưa rừng, Kiếp cầm ca, Rừng lá thay chưa. Tiểu sử Huỳnh Anh là con trai của nghệ sĩ Sáu Tửng, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nhạc cải lương miền Nam. Năm 1947 Huỳnh Anh chính thức bước vào con đường âm nhạc với vai trò một tay trống trong một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt. Từ đó cho tới năm 1957, ông là nhạc công cho những đoàn cải lương, các phòng trà ca nhạc với các ban nhạc Philippines. Huỳnh Anh chơi được nhiều nhạc cụ, từ guitar, piano cho tới kèn, percussion. Từ những năm 1950, Huỳnh Anh là một tay trống lừng lẫy của các vũ trường. Năm 1957 ông trở thành trưởng ban nhạc và trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường của Sài Gòn cho tới 1975. Huỳnh Anh rời Việt Nam cuối tháng 4 năm 1975 và định cư tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ. Sự nghiệp sáng tác Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 bài. Một trong những nhạc phẩm đầu tiên của ông là Em gắng chờ, ra đời khoảng cuối thập niên 1950. Tiếp theo đến những ca khúc khác được nhiều người biết tới như Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca và Mưa rừng sáng tác cho vở cải lương cùng tên. Theo lời của Huỳnh Anh, ca khúc Kiếp cầm ca ông sáng tác để tặng nghệ sĩ Thanh Nga. Huỳnh Anh còn có một nhạc phẩm Thuở đó có em nổi tiếng qua tiếng hát của Sĩ Phú. Ông cũng sáng tác một vài ca khúc cho các phim điện ảnh như ca khúc Loan Mắt Nhung cho bộ phim cùng tên năm 1970 có sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga và Sa mạc tuổi trẻ trong phim Điệu ru nước mắt. "Em Gắng Chờ" Nhạc Sĩ Huỳnh Anh - Trình Bày Ca Sĩ Trần Thái Hòa Paris By Night, Nhạc phẩm đầu tay của Nhạc Sĩ Huỳnh Anh vào năm 1958 Một số tác phẩm của Huỳnh Anh đã phát hành
Ban nhạc tại vũ trường Đại Nam: Lê Văn Thiện (thứ nhất từ trái sang), Đan Thọ (thứ nhì), Huỳnh Anh (thứ năm) Huỳnh Anh (ngồi ở giữa), Đoàn Châu Nhi, Dương Quang Định, Dương Quang Minh Mưa Rừng Nhạc Cảnh với Ca Sĩ Như Quỳnh và có sự hiện diện của Nhạc Sĩ Huỳnh Anh trên Sân Khấu Paris By Night và MC Nguyễn Ngọc Ngạn Tân Cổ giao duyên với Thanh Nga trong nhạc phẩm Mưa Rừng Thuở Ấy Có Em Trình Bày Ca Sĩ Trần Thái Hòa Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím - Hoàng Oanh Nếu Anh Về Bên Em (Loan Châu, Trúc Lam, Trúc Linh) KHUNG TRỜI TƯỞNG NHỚ Phân Ưu cùng gia đình Nhạc Sĩ Huỳnh Anh |