Toàn bộ cuộc phỏng vấn Nữ Minh Tinh Kim Vui...

posted Sep 30, 2017, 5:42 AM by Le Phan
Trong tuần qua Hùng nhận được nhiều lời yêu cầu của nhiều người muốn đọc lại bài phỏng vấn Minh Tinh Điện Ảnh Kim Vui đã đăng báo một tuần trước ngày ra mắt phim CHÂN TRỜI TÍM.  Đây là buổi phỏng vấn qua điện thoại từ Canada đã được đánh máy lại, thực hiện vào tháng 4, 2017.  Sau cuộc phỏng vấn (điện thoại) này là cuộc phỏng vấn truyền hình chính thức tại studio ở Hoa Kỳ mà nữ Minh Tinh đã đặc biệt dành cho Tôn Thất Hùng sau 45 năm ẩn dật ở hải ngoại (đã phát trên nhiều đài truyền hình từ tháng 5, 2017)


Phỏng Vấn MINH TINH KIM VUI

Tôn Thất Hùng có cơ hội liên lạc được với Minh Tinh Điện Ảnh Kim Vui khi thực hiện hai buổi chiếu ra mắt bộ phim xưa Chân Trời Tím ở Canada.  Kim Vui, nữ tài tử chính trong phim cho biết, kể từ ngày định cư ở Hoa Kỳ năm 1972, bà luôn từ chối các cuộc phỏng vấn báo chí từ 45 năm qua, nhưng với Hùng thì bà có nhận xét: “Khi nói chuyện với con, những kỷ niệm xưa tưởng đâu đã quên lại trở về rất dễ dàng, cô cũng rất lạ điều này”.  Và rồi Bà đã đồng ý dành cho Hùng những cuộc phỏng vấn thật chân tình.  Sau đây là buổi phỏng vấn nghệ sĩ Kim Vui (đang ở Nam California) được Tôn Thất Hùng thực hiện qua điện thoại (từ Toronto Canada)

Tôn Thất Hùng: Kính chào cô Kim Vui, những khán giả lớn tuổi sống ở Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở về phía trong này, khi họ nghe tới tên Kim Vui là họ nhắc liền tới phim Chân Trời Tím, hoặc khi nói tới bộ phim thì họ cũng lại nhắc tên cô.  Tính cho tới ngày hôm nay đã là 47 năm rồi.  Vào ngày chủ nhật, 11 tháng 6 sắp tới, bộ phim lại một lần nữa được chiếu lại, đây cũng là lần đầu tiên Chân Trời Tím có mặt trang trọng, sánh vai với các bộ phim quốc tế khác, có Box Office của ngành điện ảnh ở Canada đàng hoàng.  Cảm tưởng của Cô thế nào?

Kim Vui: Cảm tưởng của Kim Vui là có một cái gì đó lâng lâng trong tâm hồn khi nghe Hùng báo tin là bộ phim ra mắt tại Canada.  Kim Vui tưởng đâu bộ phim đã biến mất không còn cơ hội xem lại nữa.  Thời gian đã quá lâu, gần 50 năm rồi, tuổi đời thì càng ngày càng chồng chất...  Những năm trước, Kim Vui có vào các tiệm bán băng, hỏi thăm, nhưng họ nói không có.  Thật là bất ngờ lẫn ngạc nhiên khi Chân Trời Tím quay trở lại.  Kim Vui rất muốn qua Canada để được ngồi trong rạp xem phim cùng với khán giả của mình ngày xưa.  Tuy nhiên sức khỏe Kim Vui hiện nay không được tốt lắm, đi xa phải được bác sĩ cho phép, bác sĩ nói không cho đi lúc này, tiếc quá đi.

Tôn Thất Hùng: Dạ, thật là tiếc, con cứ mong là mời được Cô Kim Vui qua tham dự buổi chiếu phim, vì các khán giả ngày xưa họ hỏi thăm Kim Vui rất nhiều.

Kim Vui: Cô nhớ và trân trọng những khán giả của mình lắm Hùng ơi.  Ở bên Mỹ này, nhiều khi cô đi ngoài đường bỗng có người chạy lại ôm hun, làm cô vừa bất ngờ, vừa hết hồn, vừa cảm động.  
Tôn Thất Hùng: Theo như các bậc trưởng thượng kể lại thì thời đó, Chân Trời Tím đã làm mưa, làm gió ở khắp Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở về trong nam.  Những giải thưởng nào mà Cô nhận được qua bộ phim Chân Trời Tím?

Kim Vui: Bộ phim nhận được nhiều giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật năm 1971, còn nói về cá nhân Kim Vui thì Kim Vui có 2 giải thưởng.  Đó là giải Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao.  Tổng thống trao cho một tượng vàng và một mề đay.  Kim Vui vẫn đang giữ hai vật này.  Sau đó thì qua Đài Loan tham dự Liên Hoan Phim Châu Á, cũng được một tượng vàng về diễn xuất nữa.  Hùng biết không, kỷ niệm mà cô nhớ lần ở Đài Loan là cứ ăn thức ăn ở các cuộc tiếp tân ngán quá, cô mới rủ cô Túy Hồng.... con nhớ Túy Hồng kịch sĩ không?  Hai đứa dẫn nhau ra chợ đêm mua chân gà, chân vịt, lòng phá lấu về ăn.  Khi đi thì hai đứa mặc áo quần bình thường, khi về tới nơi thấy phái đoàn chuẩn bị đi dự một buổi tiếp tân khác, cô Tuý Hồng với cô không kịp thay quần áo đẹp, nhảy lên xe đi luôn.  Mấy ông trong đoàn rầy quá trời, họ giận hai cô ra mặt.  Vậy mà khi đi tới chỗ tiếp tân, thức ăn cũng lại quá ngán, họ ăn hổng nổi, tối về khách sạn, cô nói tới phòng cô có chân gà, phá lấu ngon lắm.  Mấy ổng tới đủ hết, cô nói hồi chiều tui đi mua thì rầy tui quá trời, sao giờ cũng ăn (cười rất vui).

Tôn Thất Hùng: Phái đoàn nghệ sĩ từ Việt Nam qua Đài Bắc đông không Cô?

Kim Vui: có Túy Hồng, có Kiều Chinh, có Ánh Nga....  Con có nhớ Ánh Nga trong phim không?

Tôn Thất Hùng: Dạ, con có xem phim, Ánh Nga đóng vai em gái của Mộng Tuyền, là con gái của ông Trung Tá Lạc trong câu chuyện.

Kim Vui: Đúng rồi, Cô với Ánh Nga ở cùng phòng.  Ánh Nga đẹp lắm.  Ánh Nga ủi dùm cô áo dài, làm cháy hết ba cái áo dài của hai đứa luôn.  Cuối cùng cả hai phải mặc đồ đầm.  Con coi hình thấy cô mặc áo đầm lúc đó hông?

Tôn Thất Hùng: À, đúng rồi, hèn gì coi lại các hình ngày xưa, thấy Cô Kim Vui mặc áo đầm rất đẹp khi ở Đài Loan.  Nhìn áo đó rất thời trang, ngay cả bây giờ cũng không có gì lỗi thời cả.

Kim Vui: Cái áo đó là cô designed đó, cô vẽ kiểu, rồi nhà may Kim Phượng may cho cô. Cô biết may mà, cô biết thêu, cô vẽ tranh sơn mài, vẽ tranh lụa, sơn dầu.  Cái áo đó khi qua Mỹ, cô có đem theo làm kỷ niệm, mà tiệm dry clean họ giặt làm sao mà hư mất, uổng ghê.

Tôn Thất Hùng: Cô rời Việt Nam đã quá lâu, Cô còn nhớ những kỷ niệm thời đóng phim ở Sài Gòn không?

Kim Vui: Kỷ niệm thì nhiều lắm Hùng ơi.  Cô nhớ có lần ông tài xế vừa đậu xe ở Chợ Sài Gòn cho cô đi mua trái cây. Cô vừa mới để một chân bước ra thì người ta ào tới, đẩy cửa xe đóng ập lại nghiến chân của cô, tưởng đâu gãy chân.  Cô đau, khóc quá trời. Cô giúp việc nói cô thôi đi cho nhanh, lúc đó có ông nhà báo chụp được tấm hình, người ta bu xung quanh không thấy xe đâu hết, chỉ thấy cô cao hơn người ta một cái đầu.... Lần khác cũng vậy, cô với cô giúp việc ra đường Lê Thánh Tôn, phải bò dưới chân một ông cảnh sát, phía sau xe để vô chợ, vậy mà nhà báo cũng chụp được cảnh đó.  Lần đó hình như là hẹn gặp Trần Quang, bạn bè đi chơi mà khổ vậy đó....  Một lần khác, má cô muốn ăn trái hồng mềm, cô chạy đi mua, cô đang đứng lựa hồng, tự nhiên người ta nhận ra cô, họ nhào tới, họ đẩy cô té vô rổ hồng.  Trời ơi, áo dài trắng của cô dính toàn hồng, cả rổ hồng của bà bán bị nát hết.  Bà ta khóc quá trời, cô nói thôi để cô trả lại tiền, cả vốn cả lời cho bà.  May là lúc đó có cô giúp việc, cổ nói cô ra xe đi, cổ ở lại trả tiền cho bà bán.  Con biết hông, cô chạy ra xe, áo quần cô dính toàn hồng không hà, tơi tả.... Vì tình thương của khán giả nhiều quá, khiến cô sợ ra đường....

Tôn Thất Hùng: Thời đó khán thính giả họ chỉ thấy nghệ sĩ trên báo, trên tivi, qua radio, ít khi họ thấy nghệ sĩ ngoài đời, nên ai cũng muốn tới sờ thử coi mình có phải bằng xương bằng thịt không hả cô?

Kim Vui: thời đó, trước khi phim Chân Trời Tím ra, báo chí đã đăng bài, đăng hình cô rồi.  Có lần cô thèm món bún chả Hà Nội....  Ở chợ Tân Định có một hàng bán rất là ngon.  Cô phải mặc bộ bà ba trắng, đeo kính râm, đội nón lá ra đó ngồi ăn.  Đang ngồi ăn thì có bà kia mua tờ báo coi, thấy hình cô, bả nói: “Tui hay thấy Kim Vui ban đêm ra chợ Trương Minh Giảng ăn bò giò viên lắm, ban ngày thì cổ che dù”.  Lúc đó cô đang ngồi ngay sát bên mà “bã” lại không thấy.  May mà lúc đó mọi người không ai nhận ra cô, chứ họ mà biết là chắc bỏ ăn nữa... (cười).  Bây giờ mỗi lần cô ra khu người Việt, những người lớn tuổi họ nhận ra cô.  Lứa nhỏ như con thì không biết.  Người ta hay sưu tầm mấy tấm hình xưa của cô, rồi mở phone ra cho cô coi.....

Tôn Thất Hùng: con có thông báo trên FaceBook là con sẽ phỏng vấn cô Kim Vui qua điện thoại, ai có câu hỏi gì, xin cho biết thì con sẽ chuyển.  Ở đây có ca sĩ Lê Tuấn hỏi: “Kính chào cô Kim Vui , năm 1971 Lê Tuấn chỉ là đứa trẻ theo mẹ đi xem phim Chân Trời Tím vì má của Lê Tuấn rất thích vẻ đẹp của cô Kim Vui và cô Kiều Chinh. Và cũng năm đó , cả nhà Lê Tuấn có đến nhà hàng Maxim's vừa ăn và thưởng thức chương trình ca vũ nhạc hoành tráng ở đó , Lê Tuấn tận mắt thấy cô Kim Vui trình diễn một bài Spanish khá quen tai với chất giọng Alto rất là hay và sắc vóc sáng đẹp , cộng với nụ cười " hết ga " của cô . Lê Tuấn và người nhà cứ thắc mắc là ngay sau đó điện ảnh Saigon rất phát triển, luôn cả thị trường miền Nam, nhưng sao cô Kim Vui không thừa thắng xông lên mà gần như không đóng phim mới? Và điều nữa là sao trong nhiều năm qua người trong nước không thấy cô Kim Vui tham gia các show quen thuộc ? Xin chúc cô luôn vui khỏe và tươi đẹp, viên mãn với cuộc sống. 

Kim Vui: xin thân chào Lê Tuấn.  Kim Vui đành phải hy sinh sự nghiệp nghệ thuật để tìm cách đưa mấy đứa con qua Mỹ cho con cái ăn học.  Bây giờ con cái thành tài hết, Kim Vui rất mãn nguyện. Kim Vui cũng đưa được cha mẹ qua Mỹ luôn, Kim Vui không còn muốn gì hơn nữa.  Ở Việt Nam giặc giã nhiều quá, Kim Vui thấy không an toàn, nên bằng mọi cách phải đi sớm.  Khi đó cũng có mấy lời mời đóng phim tiếp, nhưng Kim Vui phải ra đi.  Kim Vui rời Việt Nam năm 1972, các con và ba má qua năm 1973, gia đình đoàn tụ hết ở Mỹ.  Bây giờ Lê Tuấn mà xem lại phim thì sẽ thấy khác hơn xưa, vì người lớn hiểu câu chuyện tình và lịch sử  khác thời con nít mà (cười).... Cám ơn Lê Tuấn.

Tôn Thất Hùng: Một người khác cũng ở miền Nam California là ca sĩ Hoài Nam.  “Chào chị Kim Vui..trước 1975 cũng thường xem chị hát trên truyền hình lắm...chị có một nét đẹp rất đặc biệt...phảng phất Sophia Loren, nhìn nổi bật nhất trong các nữ diễn viên thời ấy.  Rất vui được biết chị vẫn sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam mình.  Hoài Nam muốn hỏi, trong hai lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc và điện ảnh, chi thích lĩnh vực nào hơn?  Vì với vị trí của một ca sĩ, Hoài Nam rất thích giọng hát của chị.  Giọng chị rất đặc biệt nhu nét đẹp của chị vậy.”

Kim Vui: Kim Vui xin được chào Hoài Nam, rất hân hạnh được em nhớ tới. Năm nay Kim Vui cũng lớn tuổi rồi.  Ngày xưa Kim Vui phải lăn vào kiếm tiền để lo cho con gái bị bệnh nan y, nằm thường trực ở nhà thương Grall gần 7 năm trời.  Em biết đó, nhà thương Grall là tốn kém lắm.  Con gái bây giờ thì khỏe mạnh, đẹp lắm, không biết nó có biết rằng ngày xưa mẹ cực khổ vì tính mạng của con hay không.  Kim Vui thì không hề kể, lên sân khấu thì phải cười thật tươi với khán giả.  Ngày xưa Kim Vui có người chồng đầu tiên bị nghiện rượu.  Người nghiện rượu thì họ đâu biết gì, họ say, họ đánh mình.  Khi họ tỉnh lại, họ hối hận thì thân thể mình đã xác xơ rồi.  Đó cũng là lý do mà Kim Vui phải ly dị và tìm cách đem các con ra khỏi Việt Nam.  Thời đó khán giả thấy Kim Vui khi nào cũng cười, nhưng ai tinh mắt sẽ thấy, khi thì mắt Kim Vui có màu xanh (1), có khi mang màu tím (!), có khi môi bị sưng (!)....  Ông ta uống rượu quá nhiều, qua đời khi mới 50 tuổi.  Trong cuốn sách hồi ký, Kim Vui có kể lại thời gian này.  Hoài Nam có hỏi giữa điện ảnh và âm nhạc, thích cái nào nhất, Kim Vui nói ngay là Kim Vui thích âm nhạc hơn.  Khi đang buồn, mình hát có thể giải bớt u sầu.  Mình có thể dồn hết tâm tư vào một bài hát, chứ đóng phim thì khó diễn tả, vì đâu phải khi nào cũng có vai hợp với tâm trạng của mình.  Cám ơn Hoài Nam đã đặt câu hỏi.

Tôn Thất Hùng: thưa cô, khi mất nước năm 1975, đồng bào tị nạn qua Mỹ, cô có nhiều kỷ niệm thời đó lắm, cô kể thêm cho con nghe vài kỷ niệm

Kim Vui: có lần cô tưởng cô bị chết trong “cốp” xe đó con.  Cái xe thời đó có trunk khá to, cô chở giày dép từ nhà tới cho đồng bào.  Cô chui vô trunk xe, đưa ra từng đôi giày, mọi người thì thích nhìn cô, họ làm cái trunk xe đóng xuống, nó cắt ngang cổ, ngay cột sống của cô.  Đau quá trời, may sao mà không gãy xương.  Lần khác cô đang hát trong một buổi tiệc của ông thị trưởng tổ chức, cô mặc áo kim tuyến chiếu chiếu... Nghe tin có đồng bào tới trại, cô bỏ buổi tiệc, cô chạy đi đón.  Đang đi thì nhìn xuống, thấy mình sao đi đón đồng bào tị nạn mà ăn mặc toàn kim tuyến, thật là không phù hợp... nhưng không còn kịp để thay, cô cột tà áo ngang qua cho xấu đi, rồi chạy tiếp.  Gặp đồng bào, cô phụ với chính quyền ổn định thủ tục, cô nói nhiều quá mà mất giọng luôn.  Sau này cô vào làm xướng ngôn viên cho đài KOAM của Mỹ, chương trình tiếng Việt, dành cho đồng bào mới qua.  Những tin tức cần thiết dành cho đồng bào đừng hoang mang khi ở trong trại tị nạn....  Tối nào cô cũng vô trại thăm đồng bào. Cô bắt cái thang, ngồi trên cao, mọi người ngồi xung quanh. Ai hỏi gì, cô trả lời nấy.... Nhìn chắc giống Bạch Tuyết ngồi kể chuyện lắm... Bây giờ nhớ lại thì thấy vui vui, nhưng khi đó buồn và tủi thân lắm con ơi, mất nước, lòng người ai cũng tan nát.  Cô cũng có gặp các ông lớn qua từ Việt Nam, có gặp cả ông Kỳ nữa... Có bà kia nửa đêm đòi tự tử, cô hoảng hồn chạy vô, chở bà ta về nhà cô ngủ, an ủi suốt đêm... Cô cũng gặp tài tử Bảo Ân nữa....

Tôn Thất Hùng: Oh, con đang đi tìm chú Bảo Ân để xin phỏng vấn đây Cô... Cô còn liên lạc với Chú ấy không Cô?

Kim Vui: Bảo Ân sức khỏe không tốt con ơi.  Bảo Ân sống khép kín lắm, cô với vợ chồng Bảo Ân rất thân với nhau.  Bảo Ân rất dễ thương.  Ngày xưa đúng ra vai Phi trong phim Chân Trời Tím là dành cho Bảo Ân, sau này mấy ông chủ quyết định để Hùng Cường đóng, Bảo Ân tưởng cô không muốn đóng chung, Bảo Ân giận cô một thời gian. Cô đóng phim Chân Trời Tím thôi mà nhiều người giận cô lắm, nhưng thật ra cô đâu có quyền gì mà quyết định.... Cô sẽ tìm Bảo Ân cho con.

Tôn Thất Hùng: cô ơi, từ Việt Nam có thầy giáo Nguyễn Viết Châu, anh ta còn trẻ.  “Chào cô Kim Vui. Em không biết rõ về cô nhiều chỉ biết qua lời kể của ba em, một quân nhân VNCH. Xin cho em hỏi cô là hiện nay cô vẫn còn hoạt động nghệ thuật ở Hải ngoại?”

Kim Vui: Để trả lời câu hỏi của giáo sư Nguyễn Viết Châu, phải chi Kim Vui còn nhỏ, chạy qua xin học...(cười).  Hiện nay Kim Vui chỉ đi hát những chương trình từ thiện chứ còn chương trình thương mại thì Kim Vui đã qua tuổi rồi.  Kim Vui thích làm từ thiện và hay gởi tiền cho nhà thờ đem về Việt Nam dùng để xây cầu, mua gạo cho đồng bào bên đó.

Tôn Thất Hùng: Hồi xưa Cô Kim Vui từng là ca sĩ mà...

Kim Vui: Đầu tiên cô chưa phải là ca sĩ đâu.  Mỗi tuần cô vũ Ballet ở rạp Norodom, sau này chính ông Nguyễn Cao Tăng và cô Minh Trang đã đưa cô ra làm ca sĩ.  Họ cũng là người đặt nghệ danh Kim Vui cho cô.  Không biết tại sao mà ai cũng muốn cô tập bài La Beau Danube Bleu, đi hát cứ bị người ta xếp cho hát bài đó hoặc bị khán giả yêu cầu hát, nhưng cũng vì bài đó mà dây vocal của cô bị hư vì bài hát có notes cao quá, cô phải đi mổ.  Ông Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ thời đó, hễ tới phòng trà là yêu cầu cô hát bài Giòng Sông Xanh.  Cô mà thấy ổng là cô sợ lắm, hát xong là mất giọng luôn.

Tôn Thất Hùng: Thời đó Cô hát những nơi nào?

Kim Vui: Cô hát ở Maxime, Macabal... nhiều lắm, của Mỹ có, của người Việt Nam mình có, một đêm cô đi hát 11 nơi.  Cô cần tiền lắm con biết không.  Lúc đó cô không nghĩ đến sức khỏe, chỉ biết kiếm có nhiều tiền để chữa bệnh cho con gái nằm liên tục 7 năm trời trong nhà thương Grall.... Lúc đó nhiều lúc kiệt sức, muốn chết thôi.  Sau này cô sợ luôn, có thời gian không muốn hát nữa... Vậy mà sau này, hễ cô đến các buổi tiệc, người ta cứ vỗ tay yêu cầu cô hát, mà trời ơi, mình không chuẩn bị, lâu rồi không hát, không nhớ, cô hát bài này “văng” qua bài kia, thiệt là vui.... Tên cô là Kim Vui mà....

Tôn Thất Hùng: haha, dạ, mỗi lần nói chuyện với Cô, con thấy vui vì Cô rất “positive”, rất yêu đời.  Thưa Cô, còn một câu hỏi nữa của họa sĩ Võ Ngọc Thanh từ Đà Lạt. Chị kể với con là chị xem phim Chân Trời Tím khi đang học lớp đệ nhị.  Chị hỏi: “Giờ cuộc sống cô thế nào? Cô còn hoạt động nghệ thuật không? Và nhìn lại chính mình trong quá khứ qua film Chân Trời Tím, cô thấy ra sao?

Kim Vui: Kim Vui bây giờ lớn tuổi rồi, hiện giờ đang viết cuốn hồi ký, cuộc đời Kim Vui nhiều thăng trầm lắm. 

Tôn Thất Hùng: Cô kể cho chị Võ Ngọc Thanh nghe một chút về hồi ký Cô đang viết đi Cô.

Kim Vui: Hồi nhỏ Kim Vui hay cùng với mẹ đi chôn những người ăn mày.  Khi đó Kim Vui chưa đóng phim, chỉ đang đi hát. Có mấy người ăn mày hay tới ngồi trước nhà, Kim Vui lấy tiền cho họ mỗi tháng, khoảng hai ngàn tám mỗi tháng, bằng thu nhập của một người lao động bình thường, để họ sống... Cô làm chuyện này cho tới khi cô đi Mỹ.  Có bà đó nằm sắp chết ở ... thời đó là rừng, ở Phú Thọ, nơi trồng bông lài, có những con đê .... Bây giờ chắc đổi thay hết rồi.... Nghe người ta nói vậy, Kim Vui với má tới, lúc đó bà ta nằm ở trong bụi.  Hùng và chị Thanh biết không, cô phải chui vô mà vẫn sợ, cô nói má cô có chuyện gì thì kéo cô ra.... Bà ta nắm tay cô, đưa lại một ngàn rưỡi, rồi chết một cách bình yên.  Sau đó cô chôn bà ta.  Hai mẹ con cô đã chôn nhiều người ăn mày thời đó.  Hiện giờ cô lớn tuổi, không còn làm ra tiền như xưa, nên không còn giúp được nhiều người như mình muốn được nữa....  Kể cho Hùng và họa sĩ Võ Ngọc Thanh cái này cho vui, đóng cuốn phim Chân Trời Tím được đâu trên tám trăm ngàn, cô xài gấp ba lần như vậy, vì cô cứ hay bao hết những người trong đoàn phim ăn uống.  Đóng phim xong, kêu hột vịt lộn vô ăn, một gánh của người ta không đủ bán, phải kêu ba người, ba gánh vô mới đủ cho cả đoàn....  Khi làm cuốn phim Chân Trời Tím là thời cô làm có tiền.  Ở nhà cô nuôi chim cút, bán rất có lời, bạc triệu, bạc triệu, tiền cột thành từng bó, bỏ trong cần xé, cô không biết phải làm sao cho hết, người giúp việc trong nhà xin gì cô cũng cho....  

Tôn Thất Hùng: Rất nhiều người vẫn thắc mắc là làm cách nào Cô đi qua Mỹ được, thời đó đâu có dễ đi, mà đi cả gia đình.
Kim Vui: lúc đó cô lập gia đình trở lại với một kiến trúc sư người Mỹ và theo chồng.  Nhưng sau đó cô thấy là hình như không đủ tình yêu.  Sống với người mình không yêu, chỉ là vì tương lai của các con, khổ lắm, không ở với nhau được..... Rồi cũng tan vỡ.  Cô thương một người mà cô gặp năm 1963, cả hai mất liên lạc, gần đây thôi mới gặp lại.  Cô đi kiếm ổng, ổng đi kiếm cô, khi gặp lại thì tuổi đã già, nhưng cả hai quyết định sống chung, làm giấy tờ đàng hoàng, cả hai rất hạnh phúc.  Cô không ngờ vào cuối đời cô mới tìm được hạnh phúc.  Chủ nhật nào ông cũng đưa cô đi nhà thờ, cô đạo Thiên Chúa, còn ông là người Mỹ, tên Frank Scotton, mà đạo Phật. Ông nghe con sắp qua California, ông đã ký sách tặng cho con đây.  Hồi đó ông là nhà báo, qua Việt Nam làm việc trong lực lượng đặc biệt, và rất rành về Châu Á, ông nói tiếng Tàu rất hay.  Con tin không, cả hai đi tìm nhau vòng quanh thế giới.  Ông nhắn tin trên đài VOA, cô tìm tới thì ổng đổi đi chỗ khác, cô để lại địa chỉ, cứ ông chạy đi tìm thì cô lại dọn đi.  Khi cô sống ở Ba Tư, ổng chạy qua tìm thì cô đã dọn qua Ai Cập.... Khi cô nghe nói ông đang làm việc ở Phi Châu, cô quay lại thì ổng lại bị đổi đi rồi....  Bạn bè của cô và của ổng thời thập niên 1960’s hiện giờ chỉ còn vài người, trong đó có một người bị Việt Cộng nhốt tù ngoài Bắc trong chuồng tre, bây giờ về già đủ thứ bệnh, yếu lắm.  Có một ông bạn là bác sĩ qua Việt Nam làm việc, lái xe Jeep đi trên xa lộ ban đêm bị Việt Cộng phục kích, hai ông Mỹ này có súng, núp sau xe bắn lại.  Tụi Việt Cộng bắn nát cái xe mà hai ông bạn không sao cả.  Bây giờ ông ta là bác sĩ sắc đẹp nổi tiếng ở Beverly Hills.  Mới đây bạn cũ gặp nhau, coi lại hình xưa thời còn trẻ chụp hình với nhau, bây giờ cũng còn ngồi chung đây, rất quý.

Tôn Thất Hùng: Cô ơi, họa sĩ Võ Ngọc Thanh có hỏi là bây giờ nhìn lại bộ phim Chân Trời Tím, cô thấy sao?

Kim Vui: Cô thấy vui, vì ở bên ngoài, cô cũng “cà tửng” giống nhân vật trong phim vậy đó.  Năm nay Kim Vui 78 tuổi rồi, cứ sống cho thật vui và thoải mái.  Nhà Kim Vui ngày xưa ở đường Nguyễn Tri Phương ở Đà Lạt.  Hùng cho cô gởi lời thăm và gởi lời chào chị Võ Ngọc Thanh.  

Tôn Thất Hùng: xin cám ơn thời gian khá dài của nghệ sĩ Kim Vui trên điện thoại.  Cô ơi, nãy giờ quá lâu rồi, chắc Cô mệt lắm.  Con sẽ cố gắng thu xếp bay qua California một ngày gần đây.  Kính chúc Cô và Chú luôn nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Kim Vui: Kim Vui xin chào quý khán thính giả và cám ơn quý vị đã yêu thương Kim Vui.  Cầu xin ơn trên ban phước lành cho quý vị và quê hương Việt Nam.  Cô cám ơn Tôn Thất Hùng đã làm cuộc phỏng vấn này.  Hẹn gặp lại con ở California.

Thực hiện tháng 4, 2017
- Bài tường thuật của Chị Duy Hân 
CHÂN TRỜI TÍM NGÀY XƯA
(Bài của Nguyễn Ngọc Duy Hân đăng trên tuần báo Thời Mới)

Không cần nhắm mắt mới thấy được một chân trời tím ngắt, ngày Chúa Nhật 11 tháng 6, 2017 vừa qua chúng tôi mở mắt rất to mà vẫn thấy "tím cả chiều hoang" trong dịp người bạn trẻ Tôn Thất Hùng tổ chức buổi chiếu phim Chân Trời Tím. 
Thật vậy, từ lúc chiếu phim buổi trưa tới phần Tiếp tân - Họp báo buổi chiều, "theme" của chương trình là một màu tím Huế ngọt ngào. Tím từ những posters hình ảnh, bông hoa trang trí, đến màu cà-vạt áo sơ-mi, đến các tà áo dài, khăn trải bàn, khăn giấy lau miệng, thậm chí cả món cơm chiên cũng là cơm lá cẩm sắc tím thơm ngon.... Tất cả đã tạo một ấn tượng sâu đậm trong lòng người dự, trong đó có chúng tôi.

Cuốn phim "Chân Trời Tím" đã bị mất dấu gần 50 năm nay. Những vị được xem phim này ngày xưa chắc nay cũng khá lớn tuổi rồi. Nhờ cháu đời thứ ba của ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân là anh Hà Phi, cuốn phim bị hư đã được tu sửa, tái tạo rất công phu và tốn kém, đem lại chân trời tím, đem lại những kỷ niệm xa xưa, những hình ảnh oai hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa trở về trong tâm khảm mọi người.

Có lẽ nhiều người đã xem và biết về cuốn phim tốn kém nhất thời đó, cũng như đọc cuốn tiểu thuyết của tác giả Văn Quang, nên tôi sẽ không nói về cốt chuyện. Tôi chỉ muốn chia sẻ một chút tâm tình khi xem phim cũng như vài chuyện "râu rìa" liên hệ tới "Chân Trời Tím" này.

Nhân vật chính trong phim là Phi và Liên do Hùng Cường và Kim Vui thủ vai. Hồi bé tôi rất thích Hùng Cường khi đóng cải lương với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu...Tôi đã từng len lén lau nước mắt và xây mộng lớn lên mình sẽ mở gánh hát, đóng vai đào thương! Cặp danh ca kích động nhạc Hùng Cường & Mai Lệ Huyền cũng vang dậy tên tuổi một thời. Nhưng cuộc đời người nghệ sĩ dù nổi tiếng tài ba đến đâu cũng không chỉ là vinh hoa, tiếng vỗ tay dưới ánh đèn màu. Khi đóng cuốn Chân Trời Tím, Hùng Cường đã bị người phá, cho côn đồ vào phim trường lớn tiếng chê để áp đảo tinh thần anh: "Hôi mùi cải lương quá!" Chắc chắn các nghệ nhân này cũng từng trải qua những giây phút "khóc lẻ loi một mình". 
Nữ nghệ sĩ Kim Vui được cho là nữ thần sắc đẹp thời ấy, lại hát hay diễn xuất giỏi nhưng đứa con đầu mắc bệnh phải nằm nhà thương lâu dài tốn kém. Có ngày cô đã phải chạy show đi hát 11 chỗ khác nhau để kiếm tiền thuốc thang cho con. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa và những nhân vật phụ trong phim có người đã qua đời, có người đang bị bệnh nặng liệt lào, cô đơn rất thương tâm. Có lẽ đã làm người thì phải khổ, dù có nhiều tài năng nổi tiếng hoặc giàu nghèo ra sao. 

Khi chuẩn bị đi xem phim này, tôi nhủ lòng phải bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, chấp nhận lối đối thoại diễn xuất chậm vì 50 năm về trước phim ảnh ít "action" hơn, không công phu tốn kém như các phim Âu Mỹ thời nay. Ngạc nhiên thay, tôi đã thích thú theo dõi, nhất là cảnh chiến trường Việt Nam rất sống động, oai hùng. Những chiến sĩ ngày ấy đã chiến đấu thật dũng cảm, kiên cường.

Tôi vốn có tâm hồn ăn uống, nên để ý tới 2 chi tiết này trong phim. Nhìn cô gái trong phim ăn trái mận thật dòn thật ngon, tôi nhớ cây mận ngày xưa ở nhà mình quá sức. Khi ăn các món bên đây, chúng tôi thường so sánh cho rằng thức ăn thịt cá bên Việt Nam ngon hơn, vì vừa tươi không bị đông lạnh, vừa nuôi trồng tự nhiên không bị công nghiệp hóa, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là khi ăn có ba má, có gia đình đầm ấm, có cả một không khí của thời vàng son sum vầy, nên chúng tôi luôn thèm và tiếc nuối.... Một chi tiết khá mắc cười là vũ trường ngày xưa rót whisky phục vụ khách trong ly cao, có chân như ly sâm-banh. Theo đúng sách vở của người pha rượu bartender, dù uống nóng hay lạnh "on the rock", whisky luôn được rót vào ly thấp, không có chân!

Cá tính của cô ca sĩ Liên trong phim cũng không được sắp xếp cho cô thành người dễ thương hơn, làm người yêu của lính mà lính trễ hẹn cô cũng không thông cảm được! Việc cô đi ở với người thương gia luôn say sưa ghen tuông sau này, để rồi bị ông đâm chết cũng không rõ nguyên nhân (hay là khi xem phim tôi đang mơ màng nên không hiểu rõ?). Tôi thắc mắc quá về nhà vào các trang mạng tìm đọc ngay cuốn tiểu thuyết nguyên bản của nhà văn Văn Quang, rồi mới hết ấm ức. Cuối phim nếu chiếc bóng đi về chân trời tím trong tiếng nhạc buồn ray rứt có bước chân chậm hơn một chút chắc tôi sẽ thích hơn...

Nhưng thôi, hãy bỏ qua vài chi tiết nhỏ không hay lắm, mà nhìn vào toàn bộ cuốn phim với những khó khăn phải vượt qua để thực hiện được như thế. Hãy "nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa" để hương vị tháng ngày hoa mộng và bi tráng thời Cộng Hòa hiện về, để thấy "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo", để nhớ về "người đi qua đời tôi", để thấy lòng "nhớ thương chất ngất một chân trời tím ngắt" đầy lãng mạn và yêu thương .... Gần cuối phim hình ảnh lá cờ Vàng ba sọc đỏ dù một góc bị rách nhưng vẫn vươn cao trong gió làm chúng tôi thật xúc động. 

Cuốn phim làm tôi hiểu thêm được suy tư, đời sống của bậc cha anh mình ngày xưa ra sao. Hạ sĩ Phi trong phim đã nói một câu làm tôi suy nghĩ thấm thía vì thấy nó càng đúng hơn trong sinh hoạt hiện tại: "Chúng ta chiến đấu chống Cộng sản, đánh quân thù chứ không đánh nhau". Vâng, ngày nay nhiều khi vô tình chúng ta làm nhụt chí nhau, gây khó khăn trong cuộc đấu tranh chung góp phần xây dựng lại quê hương Tự Do và Dân Chủ, trong các sinh hoạt cộng đồng. Tôi nhủ lòng mình phải cẩn thận hơn, không đánh được giặc thì cũng ít nhất không làm hại đồng đội.

Buổi chiều sau khi xem phim xong, chúng tôi cũng có duyên may dự buổi Tiếp tân-Họp báo và nghe nhạc thính phòng trong khung cảnh ấm cúng và tràn đầy nghệ thuật. Các bài hát đã dùng trong phim với tiếng hát Thái Thanh như "Chân Trời Tím", "Người đi qua đời tôi" và "Nửa hồn thương đau" đã được trình diễn lại. Các nhạc phẩm trữ tình khác mang sắc tím hoặc nói về đời Lính do các ca sĩ địa phương biểu diễn với tiếng nhạc réo rắt đã làm không gian như ngưng đọng. Giáo sư Đỗ Khánh Hoan trong phần diễn giải cũng xác định cuốn phim là một phần của lịch sử hào hùng ngày ấy. Phần câu hỏi của người dự và trả lời của Hà Phi, ca sĩ Thái Hà & Tôn Thất Hùng cũng giải đáp được nhiều thắc mắc, quan tâm về cuốn phim. Nghệ sĩ Kim Vui, bà chủ hãng phim Mỹ Vân cũng gởi lời thăm mọi người qua phần video phỏng vấn. 

Được biết Tôn Thất Hùng đã tốn hơn 4 tháng trời để chuẩn bị cho chương trình giới thiệu bộ phim Chân Trời Tím tới đồng bào Ontario. Hùng vừa phải đối đầu với thời gian, tài chánh, làm việc với nhân viên bộ Phim Ảnh Canada, vừa phải khéo léo để tổ chức rất tỉ mỉ, thành công từng chi tiết, lại lo dịch ra phụ đề tiếng Anh cho giới trẻ hiểu được. Hùng luôn hãnh diện nhận mình là "Con Cháu của Việt Nam Cộng Hòa", người bạn trẻ này rất hay, rất yêu văn hóa nghệ thuật và là gạch nối giữa thế hệ cha ông. Ngoài nghệ sĩ Kim Vui, Hùng đã có liên hệ mật thiết với tài tử Kiều Chinh, cặp danh ca Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải .... Nếu không có đam mê nghệ thuật, sự hiểu biết về văn hóa thì Hùng không thể nào thực hiện được nhiều sinh hoạt đặc biệt như thế. Xin chân thành cảm ơn bạn trẻ Tôn Thất Hùng và các nhà bảo trợ, thân hữu đã giúp cho chương trình đầy ý nghĩa và thành công.

Nếu bạn chưa xem phim này có thể mua DVD để ủng hộ hãng phim Mỹ Vân. Được biết Hà Phi đang và sẽ tiếp tục tái thực hiện hàng chục bộ phim cũ thuở ấy, kể cả cuốn chưa bao giờ được trình chiếu vì biến cố 1975 ập tới. "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?", linh hồn người xưa chắc cũng rất vui khi những thước phim này được trình chiếu lại.

Ngày nay dưới chế độ Cộng Sản văn hóa ngày càng xuống cấp, nhiều người sống vô cảm, nét đẹp và cái thanh lịch ngày xưa bị phai mờ. Nếu so sánh các hình ảnh trước 1975 với hình ảnh xã hội ngày nay, chắc chắn ai cũng đã thấy rõ chế độ nào "siêu việt" hơn. Công việc làm đẹp cuộc sống, nâng cao giá trị tinh thần, dạy dỗ con cháu và để lại cho các thế hệ tương lai những bằng chứng, những sinh hoạt nghệ thuật tốt đẹp là điều rất đáng quan tâm và thực hiện bằng mọi cách.
Cảm ơn các bậc đi trước, cảm ơn tất cả mọi người đã cho chúng tôi sống lại "những ngày xưa thân ái"....

Nguyễn Ngọc Duy Hân
Comments