GS Lê Hữu Mục (1925-2017) Khi tôi mới chập chững bước vào việc tìm hiểu chữ Nôm thì anh Mục đã có bản phiên âm quyển Huấn Địch Thập Điều xuất bản do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Quyển sách nầy cũng vậy, anh Mục chú thích tận tường và đây là một tác phẩm dầu được phiên âm lần đầu tiên, nhưng cho tới ngày nay tôi cũng chưa thấy một chữ nào đáng bàn cãi, khác với những bản phiên âm tuồng hát bội cũng của Phủ Quốc Vụ Khanh mà lỗi phiêm âm sai phải nói là cả lố hay nặng nề hơn: như sao trên trời! Trong việc học hành nghiên cứu, anh Mục lúc nào cũng đi trước tôi một đoạn đường dài, chắc chắn bằng kiến thức và bằng tác phẩm chớ không phải đoạn đường dài của thời gian… tôi gọi anh bằng anh vì anh muốn vậy, và tôi giữ cách gọi nầy hơn bốn chục năm nay. Tiếng anh như là tiếng tôn vinh một bậc đàn anh của mình, với sự quí trọng chớ không phải là tiếng gọi bằng anh của sự xưng hô giao tiếp bình thường trong xã hội. Cảm tình đó tôi có được là do những tác phẩm của anh: nghiêm túc, sâu rộng, đĩnh đạc... Trong giao tiếp với tính cách bạn bè, hay với tư cách của người nghiên cứu đi sau, nhiều người phàn nàn anh Mục về sự khép kín trong việc trao đổi tài liệu, trách anh thường làm việc một mình, được hỏi về chi tiết nào đó trong lãnh vực nghiên cứu của anh anh ít khi trả lời… tôi tuyệt nhiên không có sự phàn nàn đó. Tôi cho rằng mỗi người đã chọn thái độ sống và phương thức làm việc của mình rồi, người nghiên cứu mà khép kín trong sự giao tiếp trao đổi là vì những lý do riêng của kinh nghiệm tự thân. Ta không thể lấy cách sống của mình mà bắt người khác sống như ta được. Cơ cấu giáo dục Đại Học của VNCH thời 1954-1972 đã ngăn chặn bước tiến thủ của anh Mục về phương diện cấp bằng cũng như ngạch trật. Từ lúc có bằng Cử Nhân, giữa thập niên 50, đến khi anh có thể thi Tiến Sĩ phải mất hơn hai mươi năm. Con đường quá dài và vô lý của kẻ sanh không nhằm thời. Những người có trách nhiệm ở Đại Học thời đó không mở chương trình Tiến Sĩ vì lý do nầy lý do khác. Khi mở thì cũng mở nửa chừng, Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp chớ không phải là Tiến Sĩ Quốc Gia. Nghĩa là rồi sẽ phải thi thêm lần nữa! Và tôi được thi cùng luợt với anh nhờ sữ xả cản đó: khóa đầu tiên của Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, 1973, dành cho những người đang giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa mà chưa có bằng Tiến Sĩ (vì không được đi ngoại quốc, lúc đó người có bằng Tiến Sĩ là những vị may mắn được đi ngoại quốc du học và trở về với bằng Tiến Sĩ, Đệ Tam Cấp hay Tiến Sĩ Quốc Gia, học ít nhứt là bằng Cao học. ) Kỳ thi cuối khóa Năm Thứ Nhất Tiến Sĩ, ban Văn Chuơng Việt Nam, xác nhận rằng các thí sinh đủ điều kiện để trình Luận án Tiến Sĩ, Anh Mục đỗ đầu, Nguyễn Văn Sâm hạng nhì. Kế đó theo thứ tự là Phạm Việt Tuyền (gần đây ở Pháp), Nguyễn Thiên Thụ (hiện đang ở Canada) Phạm Văn Đang (đã mất trên đường biển) …và sau đó còn hai người nữa mà tôi quên tên vì qua lâu ngày và là những vị mà tôi ít cùng sinh hoạt… Hạng nhì sau anh Mục, nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình chỉ đáng là học trò của anh về nhiều mặt. Có khi các lứa học trò đầu tiên của anh còn giỏi hơn mình. Khi bàn chuyện với các vị Giáo sư phụ trách kỳ thi nầy, vốn cũng là đồng nghiệp nhiều năm dạy chung một trường, tôi được xác nhận điều đó: Mục nghiên cứu lâu rồi nên có cái nhìn liên ngành, trong vấn đề phải trình bày Mục cũng đào sâu. Sự thông thạo Hán văn, Pháp văn giúp Mục hơn nhiều, hơn xa những người cùng khóa. Sau nầy anh Mục thường tự hào nhắc lại ở nhiều nơi rằng mình đỗ đầu kỳ thi Tiến Sĩ Văn Khoa, khóa độc nhất của Việt Nam Cộng Hòa, tôi cho rằng sự tự hào đó là chính đáng. Vì thời thế, chớ đáng lý ra anh đã đi xa hơn nhiều về mặt khoa bảng, sự khoa bảng được yểm trợ giá trị bằng những công trình đa dạng, đa năng mà anh đã cống hiến cho người chung quanh suốt cả đời mình. Anh Mục dạy chánh thức ở trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, phụ trách thêm một phần nhỏ ở trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, trường chánh của tôi. Chúng tôi thân nhau vì gặp thường xuyên và cùng có biệt nhãn về sự nghiệp của văn gia Huỳnh Tịnh Của. Thỉnh thoảng hai đứa đem sách của Huỳnh Tịnh Của ra thảo luận bàn bạc, nhiều đoạn đắc ý anh Mục thường cười lớn như trẻ con trong khi tiếng cười bình thường của anh đã là như lệnh vỡ. Giống nhau điểm đó, còn các điểm khác về mặt nghiên cứu anh Mục khác xa với tôi. Khi tôi bỏ tâm huyết và thời gian để viết về các nhà văn Tranh Đấu Chống Pháp của giai đoạn 1945-1954, anh Mục nói tôi làm chuyện vô ích vì các nhà văn đó còn quá mới và giá trị của họ chưa được thời gian thẩm định. Tôi cười tiếp nhận mà không biện bạch, chỉ nghĩ rằng mình là người thẩm định và xác nhận giá trị của những nhà văn nầy trước hơn ai hết, thế thôi. Điều đó có gì sai trái đâu, mọi chuyện đều phải có lúc ban đầu. Cũng như kỳ thi Tiến Sĩ đầu tiên ở nước ta là kỳ thi Thái Học Sinh mà người đậu kỳ đó là Nguyễn Trãi. Nếu hỏi những giám khảo chấm kỳ thi Thái Học Sinh đầu tiên lấy tư cách gì để chấm kỳ thi nầy thì tôi chịu. Chỉ nói rằng mọi chuyện đều cần có cái ban đầu. Khi tôi cho in lần đầu tiên quyển Văn Học Nam Hà, (1970) cũng chính anh Mục nói tôi viết được, nhưng mà phải viết kỹ lưỡng hơn nữa, quyển sách có chiều dầy nhưng như là còn sơ lược. Tôi hỏi sơ lược chỗ nào, anh chỉ cho từng chỗ, tôi sẽ bổ sung khi có thể. Anh Mục chỉ cười. ‘Toa phải tự tìm hiểu, moa đâu phải thầy của toa đâu..’ Rồi anh nghiêm chỉnh hơn. ‘Toa có thể đi xa trên đường nghiên cứu, nhưng phải cẩn thận, viết mau, viết sai thì chết, không thể sửa được.’ Tôi biết ơn sự cảnh báo phải cẩn thận của anh. Và tôi ghi tâm mấy chữ nghiên cứu phải cẩn thận, viết mau, viết sai thì chết. Tôi phục cái đức tính đó của anh, chỉ cho đàn em biết được điều cơ bản của việc nghiên cứu. Tôi cũng biết anh đi theo phương châm đó trong những nghiên cứu về văn học của anh. Chúng ta không thể dửng dưng liệng đại đùa vào thị trường sách vở những quyển sách đầy sai lầm do sự tất trách. Chôn vùi tên tuổi mình là chuyện nhỏ, nhưng đầu độc người khác bằng những kiến thức sai lạc và những lý luận khiên cưỡng là chuyện không thể tha thứ được. Sách vở còn đó, 30, 50, hay cả trăm năm sau. Nhưng, với tôi, sự cẩn trọng phải có giới hạn, không thể cẩn thận quá đáng để rồi không biết đến bao giờ mới dám cho in tác phẩm của mình. Đến khi về già nếu có muốn in thì tiền bạc cũng như tinh lực không còn bao nhiêu để lo tròn việc in ấn. Sau đại nạn 75, nhiều giáo chức Đại học như hai chúng tôi đều mất trường, mất lớp. Tôi thường ngâm nga cho anh nghe câu thơ tán thán rất là ưng ý nảy sinh khi đạp xe cọc cạch đi ngang trường cũ: Trường này nào phải trường ta/ Liệu mà sửa soạn về nhà đi buôn. Tôi không biết đi buôn, nhưng đã chìm sâu vào sự trống vắng tuyệt cùng, xa cách nghìn trùng với sách vở bảng phấn. Trong khi đó, mỗi khi gặp người chuyên môn về chữ Nôm nổi tiếng từ Miền Bắc vào như GS Nguyễn Tài Cẩn, hoặc sau nầy gặp ở Paris như nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp, tôi phần lớn nghe chính từ cửa miệng họ lời thán phục và kính nể bác/cụ Lê Hữu Mục. Có người còn nói với giọng tri ân rằng những chữ nầy chữ kia tôi đọc được là nhờ bác/cụ Mục. Tạo được cái uy tín đó, có được sự tri ân đó sở học và sự suy luận của anh Mục chắc chắn là đã có sức thuyết phục thật nhiều. Nhiều lần nói chuyện với anh, tôi rút ra mấy quan điểm tôi cho là cần thiết cho người lăn lóc trong môi trường chữ Nôm, do anh Mục khám phá được như là kinh nghiệm thực tiễn: 1. Chữ Nôm có tích cách lịch đại: Chữ Nôm được viết ra mỗi thời mỗi khác. Khi đọc bản Nôm phải chú ý đến thời đại xuất hiện của nó. Mỗi thời đại có qui luật cấu tạo riêng. Cho những chữ Nôm vào cái khuôn thời đại của nó thì ta dễ đọc hơn dầu là chữ đó ta chưa từng gặp và nó cũng chẳng có mặt trong bất cứ từ điển nào. Lời anh nhấn mạnh: Cụ Hoàng Xuân H. không để ý đến qui luật thời đại mà chỉ để ý đến miền xuất hiện. Miền, chẳng hạn Nghệ An, Hà Tĩnh là một yếu tố không gian, nhưng yếu tố thời gian còn quan trọng hơn, không thể bỏ qua. 2. Không nên lạm dụng ý cho rằng chữ nọ chữ kia khắc sai: Khi khảo sát một tác phẩm, phải cẩn thận, tốt nhất là giới hạn lại cái câu: Chữ này viết sai, phải là thế này. Chắc bản khắc đã lầm, chắc người sao chép đã lộn. Anh Mục nhấn mạnh nhiều lần với tôi: Không gì dễ dàng bằng nói người xưa sai. Họ không cãi được mà người đời nay không bao nhiêu người có thề biện hộ giùm cho họ. Đó mới là điều nguy hiểm vì phần nhiều ta chưa xét đến hết mọi mặt, kết luận chữ đó sai chính thật là ta sai. Cụ Đào Duy A. mắc lỗi này dầu rằng sở học của cụ thiệt là uyên bác, chúng ta rất khó sánh được! 3. Nên chú ý đến cổ ngữ, cổ âm…: Xét thơ xưa, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồng Đức, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Vương Tường… phải chú ý đến giọng đọc xưa, lối nói xưa, từ xưa. Cố gắng quên mình là người bây giờ với cách nói, cách suy nghĩ bây giờ của thế kỷ 20, 21, mà đặt mình vào thời cách đây năm sáu thế kỷ, nhứt là để ý đến những nhóm chữ Hán mà người xưa cố gắng dịch ra tiếng Việt. Không hiểu từ mà họ dịch thì ta không thể nào hiểu được chữ Nôm đó, anh muốn nói đến bản Phật Thuyết Phụ Mẫu Báo Ân Kinh, Tân biên Truyền Kỳ Mạn Lục… 4. …Còn nhiều điều nữa tôi lõm bõm nhớ quên trong những lần nói chuyện với nhau qua điện thoại hay trong lúc lái xe nhưng tôi có thể tóm tắt là: Đi vào lãnh vực chữ Nôm thì đừng bao giờ tự hào cho rằng chữ nọ chữ kia mình đọc là đúng, lúc nào có ai gợi ý cách đọc khác thì phải suy đi nghĩ lại nhiều lần… Và nhứt là phải yêu tha thiết cái văn hóa được thể hiện bằng chữ Nôm, quí cái thứ chữ đã bị gạt bên lề thời gian… Tôi học được nhiều kinh nghiệm phiên âm của anh Mục. Tôi biết anh làm việc cần cù mỗi ngày. Tôi thông cảm với thái độ của anh khi những lần mình gọi điện thoại cho anh, phải khổ sở nghe anh say mê nói về công việc mình đang làm, nói như là anh đang thuyết giảng mấy giờ liền trước một cử tọa đông đảo. Tôi biết nếu anh cho in hết những công trình anh đã làm về Nôm, về văn học thì có thể tới hơn năm mươi đầu sách. Đó là kết quả của một đời người cặm cụi, đơn độc, say mê và không biết ngưng nghỉ để giải quyết những bài toán khó (1) về nguồn gốc chữ Nôm, (2) về cách đọc một số chữ ai ai cũng bí, (3) về trường hợp thơ Nguyễn Trãi sao có xen lẫn một hàng sáu chữ ở mỗi bài… Tôi phục sức làm việc của anh, tôi thương anh nhiều lắm khi anh nói: “Moi đã chết rồi đấy toa, lần đó là chết thiệt rồi đó. Người ta định đem xuống nhà xác rồi. Không biết làm sao mà moa sống lại.” Một câu trả lời lóe lên trong đầu tôi: Cho anh sống lại để anh giải quyết những món nợ tự mang về chữ Nôm, về văn học, để anh nêu tấm gương người làm việc không ngưng nghỉ dầu tuổi đời đã quá tám mươi… Riêng tôi, tôi cám ơn anh đã nhiều lần khuyên nên dùng thời giờ viết truyện ngắn với bản sắc và văn phong mà tôi đã vạch ra cho mình, và cách viết đem triết học vào trong văn chương của tôi, cũng cám ơn anh đã coi tôi như người bạn vong niên có nhiều vấn đề trao đổi, nhất là về những tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của mà anh biết rằng tôi rất ưa thích. Bài viết nầy nguyên là bài viết cách nay 10 năm dành riêng cho quyển tuyển tập về GS Lê Hữu Mục do nhiều người hâm mộ anh viết khi anh còn sống còn rất hăn hái và minh mẫn (đã in ở California), nay được tin anh mới ra đi thiệt sự, tôi chợt thốt lên trong trí mấy tiếng: Ô hô! Ai tai (Than ôi! Buồn thay!) Những năm cuối đời anh Mục thường nói đi nói lại khi tôi gọi thăm nơi anh an dưỡng tuổi già: Bây giờ moi quên hết mọi chuyện rồi toa, mỗi ngày moi đánh piano cho anh em ở đây thưởng thức. Vui lắm và thấy tinh thần thoải mái lắm. Hỏi anh về công trình nghiên cứu Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi mà anh bỏ ra 3 thập niên cần cù nghiền ngẫm anh trả lời như thiền giã: ‘Đừng hỏi mây bận tâm nhớ quên những gì. Mây sẽ không trả lời được. Moi bây giờ thấy lòng mình là mây!’ Vâng, con người đạt đến độ buông thả rốt ráo thì lòng mình LÀ MÂY chớ không phải NHƯ MÂY. Lòng trống không tuyệt đối, không vướng bận bịu về chuyện trần thế nữa. Sống ngày nào là như nhiên, là vô tâm đến tuyệt cùng ngày đó. Chỉ sống được trạng thái nầy khi thấy rằng mình đã trả xong nợ với đời, với xã hội, tự kết luận rằng mình đã đến lúc ra đi. Ra đi ngay bây giờ hay một hai năm nữa là vấn đề của thể xác, không phải là vấn đề của chính con người tại thế là cái ta đương hiện hữu nầy nữa. Ôi! Bao người đạt được cái tâm LÀ MÂY đó! Tôi thấy mình thua xa anh diệu vợi, anh Lê Hữu Mục ạ! Nguyễn Văn Sâm (Phần chánh: Port Arthur, TX, Aug. 01, 2007, Thêm đoạn cuối: Victorville, LA, Nov. 07, 2017) KÝ-ỨC VỀ GIÁO-SƯ LÊ HỮU MỤC Giáo-Sư Lê Hữu Mục đã từng ở Huế, và tôi thì suốt thiếu-thời ở Huế, cho nên Giáo-Sư Lê Hữu Mục đã là một phần trong ký-ức của tôi. Hồi đó, tôi “được” động-viên chuyên-môn với tư-cách “văn-nghệ-sĩ & ký-giả” vào làm việc tại Phòng 5 Bộ Tham-Mưu Đệ-Nhị Quân-Khu, từ tháng 4 năm 1954 đến tháng 10 năm 1956, thời-gian xảy ra nhiều biến-cố sôi-động nhất trong lịch-sử nước nhà. Tôi vừa viết bài tuyên-truyền và cũng đích-thân lên xe “Tác-Động Tinh-Thần” (Moral Action= tiền-thân của Tâm-Lý-Chiến [Chiến-Tranh Tâm-Lý], rồi Chiến-Tranh Chính-Trị sau này) của Đại-Đội Võ-Trang Tuyền-Truyền đi phổ-biến tại các nơi giáp vùng Việt-Minh, vừa phụ biên-tập tuần-báo “Tiếng Kèn” của ký-giả Lê Đình Thạch, vừa nhập vào toán phóng-sự chiến-trường của nghệ-sĩ Tô Kiều Ngân, vừa viết thời-luận hằng ngày cho chương-trình phát-thanh “Tiếng Nói Quân-Đội tại Đệ-Nhị Quân-Khu”. Tôi được Bộ Tư-Lệnh, do Tham Mưu Trưởng là Thiếu-Tá Trần Thiện Khiêm ký Công-Vụ-Lệnh (bằng tiếng Pháp), cử kiêm-nhiệm Trưởng Ban Phát-Thanh, thông-thường gọi là Trưởng Đài hoặc Giám-Đốc Đài “Tiếng Nói Quân-Đội tại Miền Trung”, thay-thế nhạc-sĩ Anh-Chương. Khi ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ-Tướng, Trung-Tướng Nguyễn Văn Hinh, với tư-cách Tổng Tham-Mưu-Trưởng Quân-Đội Quốc-Gia Việt-Nam, đã sử-dụng quân-đội để chống lại, với khẩu-hiệu “Mười Vé Phi-Cơ cho gia-đình họ Ngô [ra khỏi Việt-Nam], hay là tính-mạng của cả trăm ngàn (?) chiến-sĩ Quốc-Gia?” Tại Đệ-Nhị Quân-Khu, dưới quyền Tư-Lệnh là Đại-Tá Trương Văn Xương, Phòng 5, do Đại-Úy Đặng Văn An chỉ-huy, cầm đầu các hoạt-động của quân-đội, và cả dân-chúng, chống lại họ Ngô. Và tôi là người phụ-trách viết bài thời-luận, tuyên-truyền, hiển-nhiên phải nằm trong phe Hinh+Xương. Nhưng tôi tự mình tách ra, tránh né âm-mưu của họ, bằng cách không những đã không viết gì chống-đối Ông Diệm, mà còn đả-kích thực-dân Pháp lúc đó đang còn thao-túng chính-quyền Quốc-Gia và có cố-vấn trong Quân-Đội Việt-Nam, đồng-thời đề-cao lý-tưởng tự-do mà Hoa-Kỳ gieo-rắc khắp năm châu. Đài Huế hồi đó phát trên làn sóng rất mạnh, thính-giả nghe rõ cả ngoài Miền Bắc lẫn trong Miền Nam. Trong những ngày khởi-sự ủng-hộ Ông Diệm, tôi được người bạn là nhạc-sĩ Ngọc-Linh, từ nhóm thân-Diệm đầu tiên, đến “móc nối” để lợi-dụng Tiếng Nói Quân-Đội mà củng-cố vị-thế của thủ-tướng đang bấp-bênh trong Nam. Tôi biết rõ hơn về nhân-vật Ngô Đình Diệm, lúc đó vẫn còn xa-lạ đối với đại-đa-số đồng-bào, phần lớn là nhờ nhạc-sĩ Ngọc-Linh. Thế là tôi công-khai ly-khai, dùng Đài Quân-Đội Miền Trung để chính-thức chống lại Hinh+Xương, tức là chống lại Pháp, và hậu-thuẫn Diệm là “người của Thế-Giới Tự-Do” tức của Hoa-Kỳ. Phe Hinh+Xương phải lập một đài phát-thanh khác, nhưng nhỏ và yếu nên chỉ nghe được quanh Huế mà thôi. Kết-quả là “Tiếng Nói Quân-Đội” của tôi, nghe được khắp nước, nhất là ở Sài-Gòn, đã góp một phần tích-cực tác-động quân-sĩ, trấn-an dân-nhân, ổn-định tình-hình, giúp Ngô Thủ-Tướng thoát cảnh khốn-đốn ban đầu... Nhạc-sĩ Ngọc Linh là bào-đệ của Giáo-Sư Lê Hữu Mục. Tôi quen Giáo-Sư Lê Hữu Mục trước tiên là qua nhạc-sĩ Ngọc-Linh. Lê Hữu Mục là một trong số các nhà khoa-bảng/trí-thức hiếm-hoi của Huế thời bấy giờ. Ông dạy đại-học, nhưng ông cũng là một tay chơi đàn tuyệt-vời. Chương-trình phát-thanh của tôi, ngoài các mục bình-luận thời-cuộc, tin-tức thời-sự, điểm báo, phóng-sự chiến-trường, quân-nhân tìm hiểu, Anh-ngữ thực-hành (lớp dạy tiếng Anh vô-tuyến đầu tiên cho người Việt-Nam do tôi đảm-trách), thi-ca, kịch vô-tuyến, nhạc ngoại-quốc, cổ-nhạc, dân-ca 3 Miền, đương-nhiên là có tân-nhạc; mà mục tân-nhạc của Đài Quân-Đội Miền Trung hồi ấy thì vượt trội hẳn mục tân-nhạc của Đài dân-sự Huế, vì các tài-năng, nhất là giới trẻ, đều đã đổ dồn qua phía nhà-binh (một phần là do Phòng 5 trả tiền thù-lao cao hơn). Các ca-sĩ như Ngọc-Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết, Kim Tước, Hà Thanh, Bạch Yến, v.v... đều hát ở đây trước khi dời vào Sài-Gòn. Điều-khiển ban tân-nhạc thì có các nhạc-sĩ tên-tuổi như Lê Quang Nhạc, Ưng Lang, Lâm Tuyền, Văn Giảng, Lê Trọng Nguyễn, v.v... Nhưng trong mấy năm có Ngọc Linh giúp tôi ở Đài Quân-Đội Miền Trung thì trên thực-tế Giáo-Sư Lê Hữu Mục là nhạc-trưởng, vì ông có tài sử-dụng và phối-hợp các nhạc-cụ, sắp-xếp chương-trình, giải-quyết các vấn-đề liên-quan. Điều đáng nói nhất là Giáo-Sư Lê Hữu Mục chỉ đến chơi đàn với tư-cách nghệ-sĩ và thân-hữu, cống-hiến tài-năng cho thính-giả bốn phương, chứ không phải là bán công trình-tấu để nhận tiền thù-lao. Do đó, Giáo-Sư Lê Hữu Mục có nhiều uy-tín hơn và được mọi người kính trọng hơn. Tôi gần-gũi với Giáo-Sư Lê Hữu Mục nhiều hơn là vào thời-gian ông ra tờ tuần-báo “Rạng Đông”. Tôi thấy ông làm mọi việc, hầu như là chủ-nhiệm kiêm chủ-bút kiêm tổng-thư-ký tòa-soạn, đích-thân đọc kỹ từng bài lai-cảo, tìm hiểu từng tác-giả, giải-đáp thắc-mắc cho từng người. Thế mà ông còn lo về phần trước-tác của chính ông. Trong lúc đó, ông là giáo-sư giảng-dạy tại Viện Đại-Học Huế, nơi có đặc-san “Đại Học” với sự đóng góp bài-vở giá-trị, nhất là nghiên-cứu văn-học, triết-học, lịch-sử, v.v... của những thành-phần ưu-tú như ông. Riêng với tờ tuần-báo “Rạng Đông”, tôi được ông giao giữ mục “Vườn Thơ”. Rõ-ràng là ông, nếu không làm thơ, thì cũng là một tay rành về thơ, hơn là chỉ một độc-giả yêu thơ; và ông đã dành thời-gian mời các nhà-thơ đến dự những buổi mạn-đàm về thơ, tại tư-thất ông là nơi dùng làm tòa-soạn của tờ “Rạng Đông”. Trong ký-ức tôi, ít nhất có hai kỷ-niệm vẫn còn đậm nét sau bao khúc quanh thời-gian. Từ cuối tháng 10 năm 1956 trở đi, mãn hạn quân-dịch, tôi rời “Tiếng Nói Quân-Đội” ra khỏi môi-trường văn-nghệ (văn thơ kịch nhạc) của chính-quyền, về lại với ngành Cảnh-Sát Công-An. Bên phía Thông-Tin (chủ-chốt văn-nghệ), từ Nha Trung-Phần đến Ty Thừa-Thiên, có chuyện tranh-giành ảnh-hưởng giữa các nhân-vật, đều là nhà-thơ, về các chức-vụ chỉ-huy trong ngành Thông-Tin. Trong khung-cảnh đó, có việc dò-xét moi-móc đời tư của nhau, cốt dìm người khác để mình leo lên. Trong một buổi họp tại tòa-soạn tuần-báo “Rạng Đông”, nhà-thơ Đỗ Tấn (tên thật là Đỗ Tấn Xuân, tác-giả tập thơ “Mùa Hoa Sim Nở”), đã đùa chỉ tôi mà bảo: “Anh là cảnh-sát văn-nghệ đấy nhé!” Nó chỉ có nghĩa là một viên-chức cảnh-sát mà làm văn-nghệ, nhưng nó cũng có nghĩa ngầm là một viên-chức mật-vụ, hoặc văn-nghệ-sĩ mà làm công-tác dò-xét, nhắm chính vào giới văn-nghệ. Ý hẳn Đỗ Tấn muốn chọt một kẻ nào đó trong số nhà-thơ viên-chức Thông-Tin có mặt trong buổi họp ấy, song câu nói đó làm tôi nổi sùng, vì tôi không ở trong ngành Thông-Tin. Tôi thấy Giáo-Sư Lê Hữu Mục có vẻ tinh-ý thông-cảm tâm-trạng của tôi. Lát sau, ông lấy ra một bài thơ của tôi, đọc lên, phê-bình với lời ngợi-khen, rồi kết-luận: “Thanh-Thanh bao giờ cũng vẫn là Thanh-Thanh”. Tôi đoán là ông gián-tiếp trả lời Đỗ Tấn giùm tôi, nên tôi thầm cám ơn ông. Hồi đó, dân Huế vẫn còn thủ-cựu, nếu không nói là cổ-hủ, lạc-hậu hay quan-liêu. Đi ra khỏi nhà thì phải phục-sức đường-hoàng, nhét áo trong quần, không mặc sơ-mi “chim-cò” (có hình, có hoa). Nói-năng thì phải lựa lời, nhất là tôn-trọng tuổi-tác, địa-vị xã-hội, cấp-chức chính-quyền. Những ai tiếp-xúc với Giáo-Sư Lê Hữu Mục, dù không phải là học-sinh/sinh-viên, cũng vẫn gọi ông là “giáo-sư”, thông-thường thì gọi ông là “ông”. Thế mà, có một hôm, trong buổi họp, nhà-thơ Trần Dạ Từ, đã gọi Giáo-Sư Lê Hữu Mục là “anh”. Tiếng “anh” mà Trần Dạ Từ, người trẻ tuổi nhất, chưa có sự-nghiệp, dùng để gọi một giáo-sư đại-học, một trong số ít các nhà trí-thức được chế-độ trọng-vọng, đã gây ngạc-nhiên cho nhiều người. Trần Dạ Từ thì hồn-nhiên, không để ý gì đến chuyện đó. Nhưng khi ra khỏi tòa-soạn “Rạng Đông”, tôi nghe có tiếng xì-xầm: “ông Mục bất-bình vì Trần Dạ Từ gọi ông là anh”. Dù sao, tôi vẫn không tin là Giáo-Sư Lê Hữu Mục bực Trần Dạ Từ về chuyện đó, bởi ông không hề có ý lập nên một Hội của các nhà-thơ, để giữ chức-vụ Hội-Trưởng hay Chủ-Tịch (như bên “Hội Văn-Nghệ-Sĩ và Ký-Giả Miền Trung”), không phân-biệt gì khi mời các nhà-thơ đến họp, và trước sau ông cũng vẫn là một người yêu thơ, có tâm-hồn thơ. Về sau, vì hoàn-cảnh chung của Đất Nước, cũng như riêng của cá-nhân, tôi không còn gặp mặt Giáo-Sư Lê Hữu Mục, nhưng vẫn gặp ông trong một số tác-phẩm của ông. Về mặt văn-học nghệ-thuật, ông đã đóng góp vào kho tàng Văn-Hóa Việt-Nam nhiều công-trình biên-khảo có giá-trị cao. Tuy ở xa ông, nhưng khi đề-cập đến ông, tôi vẫn còn nhớ thời-gian cộng-tác với ông qua tờ tuần-báo “Rạng Đông” với lòng kính mến như tự ngày nào. Alameda, Tháng Tư 2007
|