Chuyến viễn du Đức Quốc của phái đòan Liên Hội Người Việt Canada Ngày 8 và 9 tháng 8 năm 2014 Đáp lời mời của Hội Người Việt tị nạn cộng sản vùng Hamburg, Liên Hội Người Việt Canada đã cử đại diện đến tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm con tàu Cap Anamur tại cảng Hamburg, Đức quốc vào ngày 9 tháng 8 năm 2014. Nhân dịp này Liên Hội cũng phối hợp với đài truyền hình SBTN và các nghệ sĩ của Trung Tâm Asia để đến viếng thăm, phỏng vấn và vinh danh Tiến sĩ Rupert Neudeck, người đã có công cứu vớt 11,300 thuyền nhân Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Hội Người Việt tị nạn cộng sản Monchengladbach và Liên Hội Người Việt tị nạn cộng sản Cộng Hòa Liên Bang Đức, Liên Hội Người Việt Canada cũng tổ chức một buổi gây quỹ và phổ biến Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân đến đồng bào tại Đức để kêu gọi sự trợ giúp về tài chánh cũng như sưu tầm di vật. Mời các bạn theo dõi lọat phóng sự này của Phái đòan Liên Hội qua 4 đề tài khác nhau:
Viếng thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân và con tàu tỵ nạn ở Troisdorf Từ khắp nơi ở Canada và Mỹ, chúng tôi đã đến phi trường Dusseldorf gần Monchengladbach, quê hương thứ hai đã đón nhận hàng ngàn người tỵ nạn trên 30 năm trước, sau chuyến bay mệt mỏi vì chậm trễ hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã được đón tiếp nồng hậu bởi những người bạn mới và cũ. Cũ vì bà xã tôi gặp lại một người bạn thời trung học sau 39 năm xa cách, trên đường về biết bao kỷ niệm vui buồn được ôn lại về một dĩ vãng thần tiên khi còn thơ ấu. ![]() Đến gần nửa đêm chúng tôi mới đến nhà anh Nguyễn văn Rị, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Monchengladbach, trời lạnh và lất phất mưa, không gì quý hơn là được thưởng thức món bún riêu nóng hổi của bà xã anh Rị, đặc biệt hơn nữa là ăn với đủ lọai rau thơm được trồng ngay trong vườn rau của chủ nhà. Nhìn vườn rau đủ lọai với cả bầu, bí, mướp làm tôi chạnh nhớ đến những luống rau cải thiện khổ cực ngày còn trong trại cải tạo. Cảm ơn chị Rị và các chị nhà bếp của Monchengladbach nhé. Vợ chồng chị Lê Tuyết ( bạn bà xã tôi) đã hy sinh mấy ngày nghỉ phép để đón tiếp chúng tôi thật chu đáo. Sau một đêm tĩnh dưỡng, sáng hôm sau chúng tôi trở lại nhà anh Rị để chuẩn bị cùng phái đòan Canada viếng thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân và con tàu tỵ nạn được trưng bày ở một công viên thành phố Troisdorf, cách đó khoảng 100 km. Trong bữa ăn sáng ở nhà anh Rị, chúng tôi lại được hàn huyên cùng một số anh em đến từ Munchen như BS. Nguyễn Quí Cường và anh Đàm văn Tiếu…lại được chia xẻ lại những kỷ niệm buồn vui trong trại cải tạo , hay trên đường vượt biên, được trao đổi những ưu tư chung về thế hệ con cháu tương lai. ![]() Tội nghiệp MC Thùy Dương, ngày nhị hỷ, cô dâu mới chưa được hưởng tuần trăng mật đã phải cùng chú rể Nguyễn Đức (đạo diễn của Trung Tâm Asia), người thì phỏng vấn, người thì quay phim thật là vất vả. Cảm ơn Thùy Dương và camera man Nguyễn Đức nhiều lắm nhé. Trước khi thăm Đài Tưởng Niệm, chúng tôi ghé thăm nhà Dr. Neudeck, ân nhân thân yêu của biết bao người tỵ nạn ở Monchengladbach, rất may chúng tôi đã được gặp cả hai Ông Bà trước khi họ lên xe đi Hamburg để dự Lễ Kỷ Niệm 35 năm con tàu Cap Anamur: một đôi vợ chồng hiền hòa và bình dị đã từng là cứu tinh của hàng chục ngàn người tỵ nạn Việt Nam. Tay bắt mặt mừng, cảm động nhất là anh Rị và chị Lê Tuyết, những người mà cuộc đời đã được tái sinh nhờ được cứu vớt bởi con tàu Cap Anamur. Sau đó chúng tôi đến viếng thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong một công viên gần đó. Trong cuộc phỏng vấn, anh Rị đã cho biết lý do tại sao tấm bia tưởng niệm này và con tàu tỵ nạn được đặt ở đây và tiến trình tranh đấu với thành phố như thế nào để đạt được mục đích. Đài tưởng niệm là một tấm bia bằng đá granite màu đen nhánh, cao 220 cm, rộng 70 cm; hai mặt trước và sau đều có ghi những dòng chữ (tiếng Đức, mặt trước và tiếng Việt, mặt sau) tưởng niệm những thuyền nhân đã chết trên đường vượt biển và đồng thời ghi ơn chính quyền và nhân dân Đức đặc biệt là các ông Dr. Ernst Albrecht, Dr. Rupert Neudeck. Bia khắc dấu ngọn đuốc cấp cứu có ba lằn màu đỏ lửa (như cờ vàng ba sọc đỏ - tượng trưng cho tinh thần đấu tranh vì tự do dân chủ của cộng đồng người Việt hải ngoại). Cũng cần nhắc lại rằng, Troisdorf là một trong những thành phố được thuyền nhân Việt Nam coi như là quê hương mới. Chiếc ghe vượt biên được kéo về Đức và là chiếc ghe thứ 189 được vớt ngày 17 tháng 5 năm 1982, trong số 194 ghe do Cap Anamur I cứu vớt (hoạt động từ tháng 9.1979 đến tháng 5.1982). Ghe này xuất phát từ Rạch Giá với 36 thuyền nhân. Đây là chuyến cuối cùng (gồm 29 chuyến) của tàu Cap Anamur I đã trở về cảng Hamburg vào cuối tháng 6 năm 1982. ![]() Nhìn con tàu này tôi lại chạnh nhớ đến con tàu đã đưa tôi đến bờ tự do 34 năm về trước, con tàu mang tôi đi còn nhỏ hơn một chút và cũ kỹ hơn nhiều, cũng với 36 người chúng tôi chen chúc trên đó cũng may chỉ bị đói khát mà không gặp cướp biển, rồi trôi dạt đến đảo Paulo Bidong, tôi vẫn còn nhớ đến những đợt sóng hãi hùng khi ra cửa biển và những lúc lênh đênh trên biển vì máy tàu bị hư. Thật không biết còn kinh khủng thế nào nếu gặp cướp biển hay bị nhận chìm trong những cơn bão táp. Tôi chỉ nhớ đã lên đảo với một chiếc quần đùi và hai bàn tay trắng. Không, đúng ra là còn 5 mỹ kim trong cạp quần đủ để nhắn tin vui về nhà là đã an tòan đến được bờ tự do. Chúng tôi ước mơ sẽ có một ngày một con tàu tương tự sẽ được đặt trong Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở Ottawa. Cảm ơn những người như Dr. Neudeck và lòng nhân đạo của chính phủ cũng như người dân của các nước như nước Đức mà chúng ta mới có cơ hội được sống trong tự do và no ấm như bây giờ. Chúng tôi rời Troisdorf ngậm ngùi với bao kỷ niệm đẹp. |