Dấu mốc 30/4/1975 Nhìn lại quá khứ định hình tương lai đất nước LÊ QUẾ LÂM Nói đến chiến tranh Việt Nam phải đề cập đến điểm tích cực nhất của cuộc chiến này là Hiệp định Paris 1973. Nó đã giúp kết thúc cuộc chiến kéo dài suốt 30 năm kể từ khi Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến hồi cuối năm 1946. Biến cố 30/4/1975 đã chấm dứt quá khứ bi thảm đó, đưa đất nước vào thời điểm mới khi vị lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa ra lịnh binh sĩ buông vũ khí để chấm dứt chiến tranh. Chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do là tình riêng, thống nhất đất nước là nghĩa chung. Vì quyền lợi tối thượng của đất nước nên ông Dương Văn Minh phải tạm gát tình riêng qua một bên để giúp toàn dân đạt được nguyện ước chung thống nhất đất nước. Ông vừa cứu dân trong cảnh dầu sôi lửa bỏng trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, vừa kết thúc cuộc nội chiến, chấm dứt hận thù Quốc Cộng mở đầu một giai đoạn lịch sử mới: toàn dân Nam Bắc chung sức vận động để thực hiện hai mục tiêu kế tiếp trong hiệp định hòa bình là mang lại dân chủ tự do cho đồng bào, bảo vệ nền độc lập quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Trong suốt hơn 4 thập niên qua, người Việt ở hải ngoại gọi 30/4 là Ngày Quốc Hận. Thời gian gần đây có người đề xuất đổi ngày Quốc Hận 30/4 thành Ngày Ra Đi Tìm Tự Do 30/4 hoặc Ngày Công lý & Hòa bình 30/4 .v.v. Sự kiện này tạo ra tranh cãi không cần thiết giữa các đoàn thể trong Cộng đồng người Việt Tị nạn CS ở hải ngoại, trong khi mục tiêu đấu tranh cho dân tộc chưa hoàn thành. Năm vừa qua nhân ngày 30/4/2019, trong bài viết trên đài VOA, Luật sư Thiện Ý Nguyễn Văn Thành cho rằng chiến tranh chấm dứt năm 1975 chỉ là sự kết thúc một giai đoạn của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng. Cuộc nội chiến ấy vẫn tiếp diễn sau ngày 30/4/1975. Vì vậy hàng năm cứ đến ngày 30/4 bên “Việt cộng” thì ăn mừng như một “ngày đại thắng”, còn bên “Việt quốc” thì tưởng niệm như một “ngày quốc hận” và coi cả Tháng 4 là “Tháng Tư Đen”. Luật sư Thiện Ý không biết cá nhân hay đoàn thể Việt quốc nào ở hải ngoại lần đầu tiên đã dùng từ “Quốc hận” để gọi ngày 30/4. Nhưng điều đó không quan trọng bằng ý nghĩa của từ ngữ này đã nói lên được gì? Theo luật sư nhận định thì cụm từ “Ngày Quốc hận 30/4” diễn tả nổi uất hận của người Việt từng sống ở miền Nam trước ngày 30/4/1975 dưới chế độ dân chủ pháp trị VNCH. Ngày 30/4/1975 đánh dấu chế độ tự do dân chủ ở miền Nam VN bị cưỡng tử, rơi vào ách thống trị của chế độ độc tài toàn trị Việt cộng. Chính vì vậy người Việt quốc gia coi ngày 30/4/1975 là “Ngày Quốc Hận”. Luật sư Thiện Ý nêu câu hỏi: Việt quốc Hận ai và Hận để làm gì? Ông tự trả lời: Việt quốc hận đối phương Việt cộng đã đành, mà còn hận cả người bạn đồng minh Hoa Kỳ năm xưa, nay đã và đang trở thành là đối tác làm ăn với cựu thù Việt cộng từ sau 1995, bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Việt cộng. Mối hận đối với Việt cộng phải được diễn đạt bằng ngôn từ “căm hận” hay “căm thù”. Vì họ đã sử dụng “Chuyên chính vô sản” cướp đoạt tài sản của nhân dân miền Nam, đày ải hàng trăm ngàn quân dân, cán chính chế độ VNCH trong các trại tù “Tập trung cải tạo”. Hận kẻ nội thù Việt cộng là như thế, còn đối với người bạn Hoa Kỳ đồng minh năm xưa, Việt quốc hận gì? Tất nhiên là có hận nhưng mối hận có khác về tính chất và cường độ được diễn tả bằng ngôn từ “Oán hận” hay “Uất hận”. Nó tương tự như mối hận của một người tình bị phụ bạc sau những năm chăn gối mặn nồng. Vì sao hận và hận cái gì? Trong diễn văn từ nhiệm ngày 21/4/1975, TT Thiệu lên án Mỹ “Họ đã bỏ rơi chúng tôi. Họ bán rẻ chúng tôi. Họ đâm sau lưng chúng tôi. Thật vậy, họ đã phản bội chúng tôi. Một nước đồng minh lớn đã không làm tròn lời hứa với một nước đồng minh nhỏ”. Sự bày tỏ uất hận trên đây của cố Tổng thống Thiệu có tính đổ lỗi cho Hoa Kỳ, song vẫn không tránh khỏi uất hận thứ ba của người Việt quốc gia đối với cá nhân ông Thiệu và tập đoàn lãnh đạo quân sự và chính trị chính quyền VNCH. Vì chính họ đã là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sụp đổ chế độ VNCH một cách dễ dàng, chóng vánh và hầu hết trong số họ đã kịp cao bay xa chạy di tản ra hải ngoại trước khi chế độ cộng hòa bị cưỡng tử, để lại sau lưng hàng trăm ngàn quân dân cán chính cho đối phương hành hạ, sĩ nhục trong các trại tù “Cải tạo” nhiều năm sau đó. Đối với người bạn đồng minh Hoa Kỳ năm xưa, từng là đối thủ trong chiến tranh, nay lại là “Đối tác” làm ăn với Việt cộng, song cũng vẫn đang là đồng minh với Việt quốc về mục tiêu thực hiện lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền cho VN. Luật sư Thiện Ý khuyến cáo Việt quốc nên coi mối “oán hận” này là bài học kinh nghiệm để có cách ứng xử thận trọng và khôn ngoan hơn trong tương lai sao cho có lợi cho sự nghiệp chống cộng vì tự do dân chủ cho Quê Mẹ Việt Nam. Đó là bài học kinh nghiệm về tinh thần độc lập tự chủ, sức mạnh đoàn kết và luôn chủ động trong tổ chức, chiến lược, chiến thuật đấu tranh chính trị, ngoại giao, truyền thông, để huy động được sức mạnh nội lực (trong nước) cũng như ngoại lực (quốc tế) nhưng luôn dựa trên sức mình là chính để chống cộng và thắng cộng. Luật sư Thiện Ý nhận định “Người Việt quốc gia ở hải ngoại 44 năm qua và có thể cho đến lúc chết vẫn mang trong lòng mối hận người, hận mình”. Thử hỏi mang mối “Hận” suốt cả đời để làm gì? Luật sư suy luận Việt quốc “căm hận” không phải nuôi chí phục thù rữa hận, nhưng điều Việt quốc có thể đã và đang làm là kiên trì đấu tranh vương đạo như đã kiên trì đấu tranh 44 năm qua nhằm làm tiêu vong toàn bộ chế độ độc tài toàn trị Việt cộng để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Thắng lợi này sau cùng này của cuộc đấu tranh sẽ khẳng định sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia và như thế là Việt quốc đã rữa được mối “Quốc hận 30/4/1975”? Chúng tôi cũng như đồng bào rất mong Luật sư Thiện Ý nói nõ hơn con đường Việt quốc “kiên trì đấu tranh vương đạo” cụ thể ra sao? Chỉ thấy họ chống bạn nhiều hơn là chống thù. Điển hình là mấy năm trước, bất đồng về ngày 30/4/1975: ngày Quốc hận hay ngày Ra đi tìm tự do đã gây ra chia rẽ? Còn bây giờ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 vừa qua, mối xung khắc còn dữ dội hơn giữa phe “cuồng Trump” và “chống Trump”. Trong gia đình vợ chồng, con cái, anh em không còn hòa thuận; ngoài xã hội tình bằng hữu cũng sứt mẻ nặng nề. Tất cả cũng đều xuất phát từ lòng yêu nước, nhưng thể hiện như vậy không giúp ích gì cho đại cuộc chỉ gây chia rẽ mà thôi. Cố tổng thống Thiệu đã để lại một bài học quý giá cho những người còn sống. Đừng bao giờ dựa dẫm vào bất cứ một thế lực nào, đó chỉ là ảo tưởng. Người đi trước đã ảo tưởng. kẻ đi sau cũng tiếp tục mang ảo tưởng hay sao? Tương lai đất nước đã được Hoa Kỳ an bài từ nửa thế kỷ trước với HĐ Paris 1973, mở ra một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đó là thành quả máu xương của các chiến sĩ VNCH và đồng minh Hoa Kỳ. Nay dù có Trump hay không, đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều phải làm sáng tỏ mục tiêu can thiệp chính nghĩa của Hoa Kỳ vào cuộc chiến VN. Còn việc Trump chống Trung Cộng là sứ mạng của ông trong vai trò lãnh đạo nước Mỹ. cương quyết đối đầu với bất cứ thế lực nào đe dọa đến sự an nguy của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ. Trong thế kỷ qua, họ đã lần lượt hạ gục Quốc xã Đức, Phát xít Ý, Quân phiệt Nhật và Cộng sản Liên Xô, nhưng vẫn giữ được tình hữu nghị, thậm chí kẻ thù trở thành đồng minh. Trong 4 năm qua Donald Trump vốn là thương gia thành đạt nên ông chĩa mũi giùi tấn công Trung Quốc bằng chiến tranh thương mại. Có lẽ “thế lực tài phiệt ngầm” lãnh đạo Hoa Kỳ không tin hiệu quả của chủ trương này nên tìm mọi cách “hạ Trump để thực hiện lý tưởng của Trump: Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”?. Tổng thống đảng Dân chủ hay Cộng hòa thường đảm nhận chức vụ hai nhiệm kỳ, nhưng vẫn có biệt lệ chỉ một nhiệm kỳ khi tình thế đòi hỏi, như Jimmy Carter của đảng Dân chủ (1971-1981). Kế nhiệm là Ronald Reagan hai nhiệm kỳ (1981-1989) tiếp theo là George H. W. Bush (1989-1993) đã chấm dứt chiến tranh lạnh. Như vậy đảng Cộng hòa lãnh đạo Hoa Kỳ tới ba nhiệm kỳ. Còn Donald Trump chỉ phục vụ nước Mỹ một nhiệm kỳ để cảnh báo nguy cơ “chết dưới bàn tay của Trung Quốc” rồi rút lui để các chính trị gia chuyên nghiệp hành động. Theo thiễn ý của chúng tôi thì biến cố 30/4/1975 có hai mặt tiêu cực và tích cực: Trung tướng Thiệu không thức thời nên VNCH gặp thảm họa; cựu Đại tướng Minh biết dựa vào thời thế nên chuyển cục diện đất nước vào đúng cái thế (thế cờ, thế trận) sắp bài của Mỹ, nay là siêu cường số một của thế giới. Thời thế như thế, tất phải thế thời (diễn tiến) như thế: đất nước hòa bình và thống nhất. Và bắt đầu giai đoạn mới, dân chủ tự do, độc lập toàn vẹn lãnh thổ, cũng sẽ phải xảy ra như thế. Vốn tin ở qui luật nhân quả của lịch sử, chúng tôi coi ngày 30/4/1975 là dấu mốc bắt đầu giai đoạn chuyển đổi lịch sử và nhớ đến câu nói của vị thức giả nào đó cho rằng “Mọi việc rồi sẽ qua - tất cả chỉ 1à mới bắt đầu và mọi chuyện rồi sẽ ổn”. Với tâm niệm đó, từ khi quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ được thiết lập năm 2015, chúng tôi tạm ngừng viết về Quốc hận 30/4/1975 vì lẽ nói hoài, nói mãi chỉ gây tranh cãi, chẳng giúp ích được gì cho đại cuộc. Đến năm 2018, nhân mùa Quốc hận lần thứ 43, chúng tôi có bài viết cuối cùng về sự kiện này qua tựa đề “Tâm tình người viết sử”. Chúng tôi nhớ đến Giáo sư Vũ Quốc Thúc -nhân chứng lịch sử đã viết quyển Thời Đại Của Tôi cuốn I Nhìn lại 100 năm lịch sử và những đóng góp tâm sức của Cụ cho dân tộc trong Cuốn II Đời tôi trải qua các cuộc thăng trầm của đất nước. Nay Cụ đã 98 tuổi nhưng vẫn còn thao thức, trăn trở về tiền đồ dân tộc trong khi Thời đại lịch sử 100 năm của Cụ cũng sắp chấm dứt. Do đó bài viết của chúng tôi để kính tặng Giáo sư Vũ Quốc Thúc như món quà mừng thượng thọ 98 tuổi giúp cụ vui sống đến năm 2020 để chứng kiến Thời đại của Cụ cũng là Thời đại của Dân tộc sẽ kết thúc ra sao? Nhìn lại lịch sử đất nước 100 năm, Giáo sư kết luận: “Tương lai đất nước tùy thuộc rất nhiều ở cách suy tư cũng như xử sự của mọi người Việt, đặc biệt của những kẻ đang cầm quyền”. Với bài tâm tình người viết sử, chúng tôi vững tin Thời Đại Của Tôi (Gs VQT) sẽ kết thúc tốt đẹp, đưa dân tộc bước sang một Thời Đại Mới sáng lạn huy hoàng. Đây là niềm vui lớn của Giáo sư ở tuổi cuối đời. Một Hồng ân Thiên Chúa dành đứa con đã dành cả cuộc đời phục vụ đất nước trực tiếp hoặc gián tiếp qua các thời biến đau thương của lịch sử dân tộc Tâm tình người viết sử là lời tựa quyển Việt Nam Mất Và Còn mà chúng tôi đã ấp ủ sau khi xuất bản quyển Việt Nam Thắng và Bại vào năm 1993 -thời điểm Liên Xô sụp đổ và Việt Nam thời hậu Thành Đô. Nhưng nhìn lại lịch sử thế kỷ qua chúng tôi nhận thấy ngoài Giáo sư Vũ Quốc Thúc còn có rất nhiều nhân vật đồng trang lứa, cùng chung hoài bão phụng sự đất nước như Cụ đã nằm xuống. Do đó chúng tôi đổi tựa sách Việt Nam Mất và Còn thành Việt Nam Sử Lược Thời Cận Đại 1920-2020 để ghi lại những công sức và hy sinh của biết bao những bậc tiền hiền đã tận lòng phục vụ dân tộc. Sở dĩ chúng tôi lấy dấu mốc lịch sử thời cận đại bắt đầu từ năm 1920 vì thời điểm này Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, du nhập Quốc tế III vào đất nước tạo ra Tấn Thảm Kịch VN trong suốt thế kỷ vừa qua. Bài viết của chúng tôi được Giáo sư Thúc hồi đáp “Anh Lâm ơi! (xin phép Anh cho tôi xưng hô như thế vì tôi rất thích thú được quen Anh). Muốn quên cũng không quên nổi vì những sự đang diễn ra trong thế giới bắt buộc chúng ta -những người Việt lưu vong- phải nhớ lại tình cảnh của nước mình cách đây 43 năm. Vì đâu nên nổi? Vì ai nên nổi? Kẻ viết sử không thể chỉ ngừng lại ở thời điểm 1975, phải coi đó là khởi điểm của một tiến trình lịch sử riêng biệt cho Việt Nam. Cần phải đặt biến cố này trong toàn cảnh thế giới; như vậy ta mới tránh được nhiều định kiến. Công việc suy tư đó vượt khỏi khả năng của tôi. Tôi trông mong rất nhiều ở quý Anh Chị em”. Vũ Quốc Thúc. Chúng tôi cũng được sự hồi âm gián tiếp của Giáo Lê Đình Thông qua bài thơ Hoa Muguet: Our Lady’s tears (Nước mắt của mẹ): Chen giữa cỏ cây có nhánh hoa Gió sớm đong đưa nắng chói lòa Dáng chuông trắng nõn hương thơm ngát Rừng thưa thầm gọi tháng năm qua Hái cánh hoa rừng cánh hoa chuông Hương hoa đồng nội một lời thương Hoa chuông vừa nở xuân hồng đến Ngôn ngữ giao duyên nghe rất suông. Hoa treo lơ lửng trên cành biếc Ngó xuống phận đời cuộc biển dâu Thương hải tang điền đừng luyến tiếc Hoa trắng nghiêng mình cũng đã lâu. Muguet cỏ dại rừng hoang vắng Cánh chuông quanh quẩn tiếng vô ngôn Nói mãi làm chi cho uổng phí Lặng lẽ mà nghe tiếng sóng dồn. Theo Giáo sư Vũ Quốc Thúc “Đây là lần đầu tiên tôi thấy hoa muguet được coi như những giọt nước mắt của Đức Mẹ: quả thật là nhà thơ đã có những cái nhìn khác thường. Phải chăng đó là vì nhà thơ đã nhìn cảnh tượng thiên nhiên qua nỗi lòng của mình? Trong khi đó, thiên hạ thường coi hoa muguet là hình ảnh của mùa xuân đang khơi động những cảm tình kín đáo đầy hương vị của những người đa cảm...Tôi chợt nhớ lại câu thơ trong truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu? Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Riêng cá nhân chúng tôi rất vui mừng khi thấy Giáo sư Lê Đình Thông cũng đồng cảm với ý nghĩ: “Nói mãi làm chi cho uổng phí”. Giáo sư nhìn một biểu tượng khác để hướng về tương lai, là Hoa Muguet qua “Dáng chuông trắng nõn hương thơm ngát”. Hoa mang đến tình thương “Hương hoa đồng nội một lời thương”. Hoa nở báo hiệu một xuân sắp đến “Hoa chuông vừa nở xuân hồng đến”. Mùa xuân đến, hãy nhìn lại cuộc đời: “Ngó xuống phần đời cuộc biển dâu”. Cuộc sống ở thế gian biến đổi không ngừng, lúc thịnh lúc suy, thăng trầm là lẽ thường tình, đừng vì đó mà cứ hoài niệm thời dĩ vãng vàng son: “Thương hải tang điền, đừng luyến tiếc”. Theo lẽ tuần hoàn của thiên nhiên, trải qua mùa Thu buồn, mùa Đông lạnh “Hoa trắng nghiêng mình cũng đã lâu. Muget cỏ dại rừng hoang vắng”. Mùa Xuân lại đến, Hoa Muguet nở rộ “Cánh chuông quanh quẩn tiếng vô ngôn”. Hoa vô ngôn nhưng âm hưởng lớn như tiếng chuông ngân vang làm thức động lòng người. Hoa Muguet là biểu tượng “Nước mắt của Đức Mẹ” đã chảy dài trong hơn 40 năm qua vì xót thương con dân Việt. Nước mắt của Mẹ đã vun tưới hoa cỏ xinh tươi, đất nước hồi sinh. Hoa Muguet gieo tình thương và hy vọng, hãy bình tâm chờ đón các biến chuyển của lịch sử, của thiên nhiên “Lẳng lặng mà nghe tiếng sóng dồn”. Có phải tiếng sóng dồn nổi lên từ Biển Đông? Biển đảo, lãnh hải của đất nước đang dậy sóng, bầu nhiệt huyết của con dân Việt cũng trào dâng như sóng dồn trước sự tồn vong của tổ quốc. Quả thật chuông của Hoa Muget “vô ngôn” (không có một lời lẽ nào) nhưng khơi động tâm hồn người thi sĩ, diễn tả thành những vần thơ truyền cảm chứa đựng tâm tình của tác giả -Giáo sư Lê Đình Thông, mà người viết sử như chúng tôi phải trải dài tâm sự qua mấy chục trang giấy. Bài thơ của Gs Lê Đình Thông gây xúc động đến những người đa cảm như Gs Vũ Quốc Thúc. Cụ mươn hai câu trong Truyện Kiều để bày tỏ nổi lòng của mình, của những kẻ tha hương, luôn hoài vọng về quê cha đất tổ. Dù sống ở Paris, Washington, London hay Sydney ….cảnh trí vô cùng xinh đẹp, nhưng họ không bao giờ thưởng thức vì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong phần cuối Tâm tình người viết sử, chúng tôi nhắc đến bài thơ Lời thề non nước của Tản Đà, gói trọn ước mơ của những người đang sống ở hải ngoại: “Nước non nặng một lời thề, Nước đi đi mãi không về cùng non. Nước đi ra bể lại mưa về nguồn, Nước non hội ngộ còn luôn. Non non nước nước không nguôi lời thề” Chúng tôi nhắc đến hai câu thơ của cố thi sĩ Giáo sư Lê Tấn Lợi trong những ngày sống ở Sydney “Thương về quê mẹ trầm luân khổ. Trí kiếm trùng quang vạn lý tình”. Những tâm tình này vô tình khơi dậy nổi buồn của Gs Vũ Quốc Thúc. Chúng tôi xin mượn mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài Chí Làm Trai, kỳ vọng sẽ giúp cụ vơi đi nổi sầu vạn cỗ. Cụ Nguyễn Công Trứ đã viết “Cũng có lúc, mưa dồn sóng vỗ, Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong. Chí những toan xẻ lấp sông, Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ”. Thì ngày nay, qua các thời biến của lịch sử, cụ Gs Vũ Quốc Thúc cũng đã đóng góp rất nhiều trực tiếp hoặc gián tiếp cho đất nước. Nhìn lại quá trình đó, cụ không có gì phải hỗ thẹn với nước với dân. Đến lúc “Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo” và “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu”. Cuộc đời cụ Gs Vũ Quốc Thúc cũng trải qua 3 giai đoạn như cụ Nguyễn Công Trứ ngày trước: “Cái nợ cầm thư phải trả xong” - “Trót đem thân thế hẹn tang bồng” - “Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt”. Vì thế chúng tôi kính tặng bài viết đến Gs Vũ Quốc Thúc, như món quà mừng thượng thọ 98 tuổi và tạo niềm vui lớn cho Cụ ở tuổi cuối đời. Trở lại đề tài Nhìn lại quá khứ, định hình tương lai đất nước, chúng tôi rất tâm đắc với nhận định sâu sắc của ông Vũ Tài Lục: “Lịch sử là chính trị đã qua, chính trị là lịch sử hiện tại. Hiện tại, chính trị còn gọi là thời thế đúng như cái nghĩa “thời thế thế thời phải thế”. Ông Vũ-Tài-Lục viết quyển Những Quy-luật Chính-trị trong Sử Việt với lời Tựa “Không đọc sử, không đủ tư cách nói chuyện chính-trị”. Trong phần đầu “Sử học và tinh thần sử Việt”, tác giả viết: Phải biết dân tộc bằng đời sống lịch sử. Sống về mồ về mả. Không ai sống về cả bát cơm. Nếu đem ghép liền với câu Mồ cha không khóc khóc đống mối mọt. Mồ mẹ không khóc khóc bối bòng bong, thì sẽ thấy rằng đó là căn bản ý thức lịch sử của người Việt. Trong cuộc đấu tranh để sống, không chỉ dành bát cơm manh áo cho sinh mệnh cá nhân mà còn điều quan trọng hơn là bảo vệ mồ mả. Mồ mả không có nghĩa là ba thước đất vùi chôn một xác người đã tận số trần gian. Mồ mả đây là anh linh tiên tổ hay anh linh lịch sử. Cho nên suốt dòng lịch sử Việt, cái thất bại chính trị lớn nhất bao giờ cũng là chuyện: Rước voi về dầy mồ từng xảy ra cuối đời nhà Hồ, đời Lê mạt và đầu triều Nguyễn Gia Long. Lịch sử là gì? Trong Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim giải thích: “Lịch sử tức là nhân sinh, toàn bộ nhân sinh và toàn bộ kinh nghiệm nhân sinh. Bản thân lịch sử là tất cả những kinh nghiệm dĩ vãng. Dùng văn tự ghi chép hoặc gìn giữ những kinh nghiệm dĩ vãng để cho người đời sau liễu giải tìm về nhận thức những việc đời trước gọi là sử học. Phải suy xét gốc ngọn, tìm tòi căn nguyên những việc đã qua để hiểu rõ những vận hội tri loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung kim cổ cho người cả nước được đời đời coi vào đấy mà biết sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực như thế nào mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”. Nghiên cứu và liễu giải sử học như vậy không phải chỉ để bảo lưu kinh nghiệm nhân sinh mà còn để phát huy giá trị cùng ý nghĩa trọng đại của lịch sử truyền tới hậu thế, căn cứ vào đó mà chỉ đạo tương lai bởi vì lịch sử không phải là một thứ dĩ vãng chết mà là dĩ vãng đã đúc kết thành tinh thần kiên cố và những sức mạnh tối linh (Force obscures) vượt khỏi tầm với của lập luận "logique" tầm thường Trong phần cuối “Lịch sử và chính trị”, tác giả viết: Ngô Thời Nhiệm trả lời Đặng Trần Thường rằng: "Gặp thời thế thế thời phải thế". Một câu ấy là đủ để nói rõ mối liên hệ giữa lịch sử và chính trị. Lịch sử là một cuộc đối thoại bất tận giữa quá khứ và hiện tại, trong đó hiện tại là kẻ chủ động của cuộc khảo luận bằng những hành động chính trị đang có. Nhưng lịch sử đã qua mãi mãi mang nhiệm vụ giáo huấn. Những kẻ đang sống tìm trí thức trong quá vãng, không phải chỉ để thoả mãn ý muốn hiểu biết, mà cốt là để làm giàu cho trí tuệ đấu tranh hiện tại, cốt là để rút tỉa nhiều bài học hữu ích. Lịch sử là chính trị đã qua, chính trị là lịch sử hiện tại. Hiện tại, chính trị còn gọi là thời thế đúng như cái nghĩa “thời thế thế thời phải thế”. Thời thế như Tibor Mende viết: "Ce monde n’était plus le mème que celui où ils étaient nés, un autre avait pris sa place". (Thế giới này không còn là thế giới của lúc họ mới sinh ra, một thế giới khác đã thay nó rồi). Thời thế chẳng những phải hiểu là hiện tại sự thực mà còn cần được nhìn vào vị lai biến hóa nữa. Gặp thời thế thế thời phải thế. Vận động lịch sử Việt trong gần một thế kỷ qua tiến hành trong diễn biến của những cái "thế" quốc tế, đòi hỏi chúng ta lăn vào thực tiễn trước mắt, đồng thời cũng không bỏ quên biến hóa trong tương lai. Tất cả mọi cái "thế" quốc tế đều phải được coi là những cần thiết để hoàn thành cuộc đấu tranh dân tộc. Trên đây là ý kiến của ông Vũ Tài Lục về ý nghĩa trọng đại của lịch sử giúp các thế hậu tấn dựa vào để chỉ đạo tương lai, lợi dụng các “thế” của quốc tế để hoàn thành cuộc đấu tranh của dân tộc. Cũng trong tinh thần đó, nhìn lại quá khứ chúng tôi nhận thấy đất nước gặp biết bao thảm họa chỉ vì những người lãnh đạo không biết hành xử phương châm “thời thế - thế thời - phải thế”. Thân phận nhược tiểu cầu cạnh các thế lực bên ngoài mà không tìm hiểu cái “thế” của các cường quốc đối xử với nhau như thế nào để có cách ứng phó thích hợp thì chỉ gặt hái thất bại mà thôi. Điều nghịch lý là các thế lực quốc tế biết hành xử cách thức như phương châm của tiền nhân ta “gặp thời thế thế thời phải thế” để xây dựng mối bang giao dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi nhằm mang lại lợi ích tối đa cho đất nước họ. Còn lãnh đạo nước ta, làm chính trị mà không thức thời nên tạo ra chuổi nhân quả khôn lường cho dân tộc. Các lãnh tụ VNCH không hành xử như vậy nên đưa đến tình trạng bi đát trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975. TT Thiệu là một tướng lãnh, dĩ nhiên ông muốn giải quyết chiến tranh bằng chiến tranh. Ông muốn chính phủ Mỹ đến giúp VNCH cũng phải hành động theo lập trường của ông, Mỹ không thực hiện đúng ý muốn, ông lên án họ phản bội. Ông không nghĩ trên 58 ngàn binh sĩ Mỹ đã hy sinh và trên 300 ngàn đồng đội của họ đã mang thương tật vì đã chiến đấu cho VN. Họ chiến đấu và hy sinh không phải để bảo vệ tiền đồn Thế giới Tự do mà để giúp VN kết thúc chiến tranh bằng một hiệp định hòa bình, để giúp miền Nam tự do thắng cộng sản bằng chính trị trong hòa bình. Sau đó Mỹ rút lui, chế độ VNCH sụp đổ, TT Thiệu lên án đồng minh phản bội. Bốn năm sau, đến lượt kẻ chiến thắng, CSVN cũng cho rằng họ bị đàn anh Trung Cộng phản bội. Trong văn kiện của Bộ ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tựa đề Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua công bố ngày 4/10/1979, CSVN tố cáo Trung Cộng trong 30 năm qua, đã hợp tác với Mỹ và phản bội cách mạng VN ba lần mà lần sau nặng nề hơn lần trước. TT Thiệu đồng minh với Mỹ 10 năm (1965-1975) bị đồng minh phản bội, VNCH đã bị bức tử, tuy nhiên đất nước được hòa bình và thống nhất. Trong khi Cộng sản VN “đồng chí” với Trung Cộng từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949. Từ đó kéo dài 30 năm đến năm 1979 nên bị phản bội ba lần. Sau đó còn bị Đặng Tiểu Bình tấn công “dạy cho một bài học” và dọa còn nhiều bài học nữa. Để không bị mang tiếng phản bội, các lãnh tụ CSVN đến Thành Đô làm sống lại tình đồng chí với Trung Cộng cũng không yên thân. Vì tình láng giềng hữu nghị, hợp tác lâu dài, Hà Nội đã ký hiệp ước biên giới với Bắc Kinh năm 1999 và 2000. Hậu quả là Ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc và mấy chục ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ lọt vào tay Trung Quốc. Năm 2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoa HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý để khảo sát dầu khí. Đến giữa năm 2019 Trung Quốc lại đưa giàn khoan HD 8 vào bãi Tư Chính cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160 hải lý. Mục đích ngăn chận VN khai thác tài nguyên ở đáy biển sau khi Hà Nội cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan Hautyu-5 của Nhật thăm dò dầu khí ở Lô 06-01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của VN với Nga. Lúc đó có tin tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil sẽ rời VN vì sức ép của Trung Quốc. nhưng sau đó Bộ ngoại giao VN đã phủ nhận thông tin này và cho biết Mõ Cá Voi Xanh vẫn tiếp tục hoạt động. Trước đó từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018 Hà Nội phải ngưng hai dự án khai thác dầu khí với đối tác Repsol của Tây Ban Nha vì sức ép của Bắc Kinh. Phải làm cách nào để hóa giải thảm trạng trên? Có lẽ phải nhìn lại quá khứ, lịch sử đã chỉ cho dân tộc ta bài học: Trong bang giao quốc tế, các cường lực đều hành xử phương châm “không có tình bạn hay đồng chí muôn đời” và cũng “không có kẻ thù muôn đời” mà chỉ có “quyền lợi quốc gia dân tộc là trên hết”. LÊ QUẾ LÂM |