Một chuyến đi lý thú, nhiều cảm xúc khó tả...

posted Jul 7, 2017, 8:58 AM by Le Phan   [ updated Jul 7, 2017, 9:00 AM ]
Cách đây khoảng hai mươi năm, ba me tôi có dịp về Việt Nam thăm lại nơi chôn rau cắt rún. Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam và năm 1975 lại một lần trốn chạy khỏi nước. Trong suốt hơn 40 năm kề từ rời miền Bắc, ba me tôi có lẽ đã nghĩ sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại thăm chốn cũ, nhất là sau biến cố 1975. Việc trở lại Việt Nam từ một nước cách nửa vòng trái đất quả là một cuộc hành trình nhiều ý nghĩa và vô cùng thich thú. Ngoài việc thăm họ hàng trong miền Nam, ba me tôi còn có dịp thăm họ hàng miền Bắc. Và hầu như tất cả nhửng ai về thăm quê hương, đều muốn ghé thăm nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ba me tôi cũng không ra ngoài cái thông lệ đó.

Quê me tôi ở Nam Định, và về thăm lại Nam Định là điều tất yếu.
Sau chuyến thăm Nam Định về, m tôi vui lắm vì đã gặp được người quen hàng xóm. Tôi nhớ me tôi kể gặp lại hai cô cùng xóm, cả hai cô gặp me tôi và nhận ra người, mừng rở lắm. Theo mẹ tôi kề cả hai cũng như xưa, như xưa đây, theo tôi hiều là cả hai vẩn còn độc thân, vẩn ở căn nhà cũ và nhất là vẫn đối xử rất tình nghĩa. Hai cô vô cùng mừng rỡ nhận ra cô Lê- là tên m tôi hồi còn con gái-sau hơn 50 năm không gặp- m tôi rời Nam Định, sau khi lấy ba tôi, cũng đến 50 năm rồi. Thuở bé, cùng phố, cùng huyện, m tôi hơn hai cô chừng chục tuổi, thời đó chục tuổi là nhiều lắm nên họ gọi mẹ tôi là cô, vế trên. M tôi gọi hai cô là vế dưới.

Thời gian đi nhanh... Fast forward, 20 năm sau...
Tôi đi chơi Tràng An, lượt về, nhân tiện thăm người, thân, quen ở Nam Định, muốn ghé xem quên Ngoại, Nam Định như thế nào. Anh tôi và tôi, tuy chúng tôi đều sinh ra ở đất Bắc, nhưng nào có biết quê ngoại ra sao. Chỉ biết nhà me tôi ngày xưa gần nhà cụ Tú Xương, thế thôi, và con đường nhà me tôi ngày đó gọi là phối hàng Nâu. Việt Nam, đất Bắc, từ năm 54 cho đến thập niên 90’s chưa thay đổi gì nhiều. Nhưng sau đó thì bộc phát dữ dội, nhất là chục năm gần đây. Nhiều ngươi chỉ vài năm không về đã thấy đường phố thay đổi khác biệt. Nam Đinh, một thảnh phố nhỏ, tuy thế, chắc là cũng đổi thay nhiều, mà dù có hay không, chúng tôi cũng không thể biết được. Do đó cuôc trở về quê Ngoại, thực ra chỉ là một tò mò, cho biết vậy thôi, không mong có được một kỷ niệm hay cảm xúc nào về.

Xe đưa chúng tôi đến một con đường, hồi xưa là phố Hàng Nâu, bây giờ là phố Minh Khai. Con đường không có gì đặc sắc và như bao con đường khác. Chúng tôi chỉ biết dọ hỏi căn nhà của cụ Tú xương mà thôi vì biết nhà me tôi ngày xưa cũng quanh quẩn đó. Sau một hồi tìm kiếm chúng tôi mò đến một căn nhà, có cửa sắt kéo, mới mẻ, tân thời có tấm biển nhỏ , Di Tích Lưu Niệm, Nhà Thơ Tú Xương. Có nghĩa là căn nhà đó có những di tích thôi, còn thì chả có gì, chán chết!


Tôi chợt để ý một căn nhà gần đó, nom thật cổ, có cái mái thật xưa như trong phim truyện. Ngôi nhà nổi bật là một căn nhà cổ, hiếm hoi trên con đường này, con đườ̉ng đã được tân trang hóa gần hết!

Mấy anh hàng xóm quanh đó cho biết mấy cụ già đang sống trong đó. Tôi tiến lại gần chợt thấy, qua cánh cữa he mở, một đôi chân thấp thoáng. Máu nhiếp ảnh tôi trổi dậy... một cụ già, trong căn nhà cổ, ngắm phố trưa bên ngoài, từ căn nhà thiếu ánh sáng, nếp da răn reo, phải là một bức ảnh có hồn! tôi chụp nhanh rồi tiến gần hi vọng sẽ kiếm được một bức cận ảnh!

Qua cánh cửa hé, tôi thấy một bà cụ dáng vẻ hiền lành, phúc hậu. Cái khó là bà đang nhìn ngay ra ngoài, lối chụp tự nhiên hay nói trắng ra là chụp lén coi bộ không được. Tôi đành “thưa cụ, sống ở đây ạ?”. Bà cụ ngước nhìn tôi, giơ bàn tay lên, xoay xoay cổ tay “ tôi điếc, không nghe gì cả”. Tôi hơi tẽn tò, gật đầu chào rồi rút lui.

Lúc đó bên đường anh tôi và chị vợ đang tán chuyện với mấy người quanh đó về căn nhà cụ Tú Xương.Tôi nói với anh tôi về căn nhà cổ và bà cụ già. Anh tôi vô cùng hào hứng, nhiệt tình nói ngay... “qua đó đi”. Tôi chưa kịp giải thích bà cụ lãng tai, anh đã băng qua đường.

Bà cụ ngước nhìn anh, anh rành rọt giải thích, đại khái là đây là quê mẹ và chúng tôi về thăm và không biết cụ có nhớ gì về mẹ chúng tôi. Bà cụ hỏi mẹ tôi tên gì, và nhấn mạnh phải nói tên ông ngoại nữa vì ngày xưa ta biết gia đình, hàng xóm qua tên người chủ gia đình, là người đàn ông. May sao anh tôi còn nhớ rõ tên ông ngoại tôi, nói ra bà biết ngay và biết gia đình đó rất rõ.

Đúng lúc đó từ nhà trong , một bà cụ già nữa xuất hiện. Câu chuyện như bắp rang. Hai bà cụ minh mẫn vô cùng- tôi chả thấy cái vẻ điếc tai gì cả!- té ra bà cụ không muốn nhiều chuyện với người lạ! hai bà nhớ rõ tên, bà ngoại, mẹ tôi, cô Lê, bác gái, cô Hồng và cả bác trai, ông Chắn nữa, và biết qua tên gọi ở nhà. Câu chuyện vô cùng lý thú. Chúng tôi chụp ảnh, quay phim tha hồ!


Câu chuyện trở nên lý thú và chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn khi biết hai cụ chính là cô Minh và cô Lan ngày nào mẹ tôi đã nhắc nhở trong chuyến thăm Việt Nam 20 năm về trước và vẫn độc thân như lúc gặp gỡ mẹ tôi. Hai bà cũng kể cho chúng tôi một chút về cuộc sống ngày trước của mẹ tôi. Con nhà gia giáo, nề nếp. Bà ngoại tảo tần nuôi con, ông ngoại tôi mất rất sớm, bà tôi ở vậy và không đi thêm bước nửa. Hai bà còn chỉ cho chúng tôi căn nhà trước đây me tôi ở, bây giờ thì đã là nhà tân thời, có cửa sắt kéo.
Còn gì cảm xúc hơn khi ta gặp lại người của gần 80 năm về trước, những người đã từng sống trong một khung trời, một nếp sống của mẹ tôi và của thế kỷ trước. Những chứng nhân của một lịch sử với những biến cố, mốc thời gian, mà với chúng tôi là một cái gì nhiều bí ẩn, kỳ thú lại vừa rờn rợn...Tản cư, di cư, Tổng Khởi Nghĩa, mùa xuân 46, cải cách ruộng đất, đấu tố... Sống sót đến ngày nay, mạnh khỏe, minh mẩn và kể lại mọi chuyện, như chuyện ngày hôm qua, thì quả là một điều phi thường.


Nhưng cái phi thường hơn là cuôc gặp gỡ không tưởng này. Chúng tôi không hề, trong một nanosecond hình dung ra sẽ gặp gỡ hai bà cụ này. Quả thế, vật đổi, sao dời, gặp người mà ta chỉ biết qua chuyện mập mờ kể lại, từ bao năm trước thì quả là một đưa đẩy lạ thường của nhiều kết hợp khó nghĩ ra!

Vài tấm hình lưu niệm...
Đúng là một chuyến đi lý thú, nhiều cảm xúc khó tả. Sài Gòn, 7 tháng 7 , 2017.
Mai Huy

Comments