Hỏi : Tôi vừa mổ tim bắc cầu tháng 10 năm 2019. Đến lúc tôi phải đi khám định kỳ. Tôi có nên đi tới nhà thương hay phòng mạch không ? Trả lời : Trong dịch Covid 19, các bác sĩ được cho phép khám bệnh qua điện thoại, hoặc qua nhiều ứng dụng điện tử bảo mật khác (Télémédecine). Bệnh nhân không cần tới nhà thương hay phòng mạch để khám định kỳ, chỉ cần hẹn khám bệnh qua Télémédecine cũng đủ. Bệnh nhân chỉ tới phòng mạch hay bệnh viện khi có những triệu chứng bất thường về tim mạch (thí dụ đau ngực bất thường hay khi vận động , khó thở trong những sinh hoạt hàng ngày, nhịp tim đập nhanh / loạn xạ, ngất xỉu, hay triệu chứng tai biến mạch máu não, vv). Bệnh nhân gọi lên phòng mạch bác sĩ hay bệnh viện để xin hẹn Télémedicine. Khi bác sĩ gọi về nhà, bệnh nhân nên sửa soạn danh sách thuốc, đo huyết áp và nhịp tim (nếu quý vị co máy đo tại nhà) để giúp bác sĩ. Sau buổi khám bệnh, bác sĩ sẽ gửi toa thuốc về nhà qua bưu điện hay faxer toa cho tiệm thuốc. Hỏi : Tôi đang có thai 4 tháng, nếu lỡ nhiễm vi khuẩn tôi phải làm gì ? Có cần vào nhà thương liền? Có ảnh hưởng đến em bé không ? Trả lời : Cho tới bây giờ, những dữ kiện cho thấy người đàn bà có bầu, bệnh sẽ không nặng hơn người khác. Đối với thai nhi, thì có xác suất sinh thiếu tháng hoặc phải sinh bằng phẫu thuật (césarienne) cao hơn, chỉ trong trường hợp người mẹ bị viêm phổi nặng hay bệnh nặng. Chưa có dữ kiện nào cho thấy thai nhi bị nhiễm vi khuẩn Covid 19 từ trong bụng mẹ . Cách cách trị bệnh COVID 19 cho các bà có bầu không khác những người thường. Nếu nhiễm bệnh Covid19 nhẹ thì nên ở nhà, chỉ đến nhà thương khi bệnh nặng (khó thở nặng, huyết áp thấp và mệt mỏi trầm trọng , mê sảng , vv ) . Đàn bà có bầu bị sốt thì chỉ nên uống Acétaminophene (Tylenol). Cho tới nay người ta thấy có một số trường hợp những thuốc antiinflammatoires, thí dụ Advil, Motrin có thể làm bệnh do COVID 19 nặng hơn (việc này chưa được kiểm chứng). Hỏi: Ở nhà lâu dễ bị stress. Xin hỏi có ảnh hưởng đến tim mạch ? Tôi bị cao huyết áp nhẹ. Tôi phải làm gì ? Trả lời Thường thì trong những trường hợp này ta sẽ dễ bị trầm cảm (chán nản, buồn bực). và căng thẳng (anxiété). Và hệ miễn dịch (système immunitaire) của ta cũng bị lũng đoạn nếu ta stress quá và thiếu ngủ. Bệnh tim mạch và cao huyết áp tương đối bị ảnh hưởng ít, trừ khi mức độ stress quá cao. Để bớt trầm cảm, căng thẳng và giữ hệ miễn dịch tốt để chống bệnh virus, chúng ta nên : -ăn ngủ đúng giờ giống như trước -tập thể thao nhiều hơn (ta có thể mở YouTube, có nhiều chương trình « workout ») -nên ra chỗ có ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt (cửa sổ, sau vườn hoặc hàng hiên) hoặc làm vườn Nếu dưới 70 tuổi ta có thể đi bộ ngoài đường. -nói chuyện thường xuyên với người quen, bạn bè qua điện thoại -nên cố gắng làm nhiều việc khác nhau trong nhà. -Học làm chuyện gì mới (học vẽ, đánh đàn, học một chương trình mới trên máy điện toán) -Tuy hiểu biết về Covid 19 quan trọng nhưng nên nhớ trên mạng có nhiều thông tin sai lạc làm chúng ta hoang mang một cách vô ích. Hỏi : Có nên tránh những thuốc AINS (Anti inflammatoire non stéroidiens) như Ibuprofène (hay Advil hay Motrin), Indomethacine (Indocid), Naproxen ( Naprosyn) vv để giảm sốt và nhức mỏi trong bệnh Covid 19 ? Trả lời : Chuyện này chưa hoàn toàn rõ. Vài bác sĩ khuyên tránh những thuốc AINS này dựa trên vài ca những người trẻ bị bệnh Covid 19 nặng hơn sau khi uống thuốc AINS. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu quy mô nào xác địch vấn đề này. Hiện giờ các thẩm quyền y tế (World Health Organization, European Medicine Agency) khuyên cứ dùng AINS nếu cần thiết. Vì mọi chuyện chưa rõ, chúng tôi khuyên bệnh nhân tốt nhất nên xài Acétaminophène (Tylenol) thay vì AINS để giảm sốt. Nếu cần AINS để có hiệu lực mạnh hơn, thì chỉ dùng những liều lượng thấp . Hỏi : Làm sao phân biệt giữa bệnh dị ứng theo mùa ( allergie saisonnière) hay những cảm cúm thường với bệnh Covid 19 ? Trả lời : Tuy bệnh Covid 19 cũng gây ra triệu chứng sổ mũi, hắt xì, đỏ mắt (conjonctivite) giống như bệnh dị ứng theo mùa (allergie saisonnière), bệnh Covid 19 có những triệu chứng khác hẳn, như sốt (99% bệnh nhân) , mệt mỏi, nhức mình mẩy, chán ăn , ho khan (70%), ho ra đờm (30%), tức ngực, khó thở (30%), tiêu chảy (20%). Những triệu chứng trên đây cũng giống như những cảm cúm khác như influenza. Tuy nhiên 25% bệnh nhân Covid 19 có một triệu chứng rất đặc biệt gần như không thấy ở các bệnh virus khác , đó là mất khứu giác (tức là không ngửi được các mùi) mặc dù không nghẹt mũi, và mất khẩu vị (không nếm được). Khi quý vị có những triệu chứng này, quý vị gần như 99% chắc chắn bị bệnh Covid 19, không cần thử nghiệm thêm. Nên nhớ bệnh Covid 19 có thể đưa đến những biến chứng nặng trong 15% các ca, 5% ngặt nghèo cần nhập viện hồi sinh (soins intensifs) , và tỷ lệ tử vong khoảng 2-3% (tuỳ theo số thử nghiệm đại chúng) , tức là tử vong khoảng 10 lần hơn cúm H1N1. Do đó cơn dịch Covid 19 này rất nguy hiểm hơn các cảm cúm khác. Những triệu chứng báo động phải vào bệnh viện gấp là : - Khó thở ( nhịp thở >25/ phút) mặc dù nằm nghỉ không vận động - Môi hay tay chân tím xanh ( thiếu oxygène) - Mê sảng, đánh thức không dậy - Tức ngực liên tục
Hỏi: Bệnh Covid 19 có những triệu chứng trong bộ phận tiêu hoá không ? Trả lời: Tuy đa số các bệnh nhân Covid19 bị ho và khó thở , có khoảng 10-30% các ca bị triệu chửng tiêu hoá như buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng. Khoảng 50% những bệnh nhân bị triệu chứng tiêu hoá không có những triệu chứng ho hay khó thở. Tuy phần đông cách lan truyền coronavirus là qua những giọt nước bọt tung ra bởi bệnh nhân, ô nhiễm bởi phân cũng có thể làm lan truyền bệnh. Một nghiên cứu ở Đại Hàn cho thấy coronavirus có thể thấy trong phân những người khỏi bệnh Covid 19 nhiều ngày sau những thử nghiệm trong mũi họng đã trở thành âm tính. Vì vậy họ khuyến cáo phải thử phân những người bệnh và nếu thấy coronavirus , phải đề phòng lan truyền bệnh qua ô nhiễm bởi phân. Hỏi : Tôi từ VN sang thăm con và đã hết hạn ở lại. Nhưng vì nạn dịch, tôi chưa dám đi máy bay lúc này. Tôi chỉ mua bảo hiểm sức khỏe đến cuối tháng 3. Xin hỏi nếu trong lúc tôi còn ở Canada, nếu tôi bị Covid19, tôi có phải trả tiền chữa bịnh hay không? Nếu đi bác sĩ, tôi có phả trả tiền không? Đi khám Corona có phải trả tiền không? Trả lời : Ô/B nên gia hạn thêm bảo hiểm sức khỏe vài tháng nữa ngay từ bây giờ, (trước khi nhiễm bệnh) vì không biết chừng nào các quốc gia sẽ cho phép di chuyển bằng đường hàng không. Cho đến bây giờ chính phủ Canada chưa đề cập gì tới việc có trả tiền khám bệnh hay không cho những trường hợp người ngoại quốc du lịch ở Canada mà bị bệnh do Covid 19. Còn nếu Ô/B bị bệnh khác thì đương nhiên Ô/B phải trả tiền bác sỹ. Để tránh sự lây nhiễm chính phủ Québec đã chấp nhận trả tiền thử nghiệm (nếu có những triệu chứng ho, sốt), chữa bệnh Covid-19 cho tất cả mọi người Không có thẻ RAMQ. Ô/B phải trả chi phí cho tất cả vấn đề khác. Vì thế Ô/B nên gia hạn bảo hiểm. Hỏi : Gia đình tôi có 3 anh chị em. Tôi vừa đón mẹ tôi từ nhà già về ở cho an toàn. Vì chính phủ sẽ phạt nếu người trong nhà không phải cùng địa chỉ. Nếu cần phải thay phiên nhau đến chăm sóc, anh tôi phải đến nhà tôi. Như vậy có phải xin giấy bác sĩ để được phép ở lại nhà tôi? Tôi có thể xin CLSC đến khám cho mẹ tôi? Mẹ tôi bị tiểu đường nặng. Trả lời : Nếu cần thêm người nhà đến chăm sóc mẹ già, có thể xin giấy bác sĩ của trung tâm người già của bà cụ để được ở lại. Nhưng gia đình phải ý thức được rằng cá nhân của họ cũng phải tuân thủ triệt để chuyện ở nhà, không ra đường, không cho con cháu đến thăm để tránh trường hợp họ là những người mang vi khuẩn lây nhiễm cho cụ. Gia đình có thể liên lạc với bác sĩ để làm téléconsultation để theo dõi bệnh tiều đường của cụ. Hỏi : Xin hỏi về việc đeo mask vải. Chính phủ khuyến khích người dân đeo mask khi ra ngoài. Tôi nghe nói mask phải thay mỗi 4 giờ có đúng không? Có áp dụng cho mask vải không? Khi đeo mask vải, có cần lót thêm giấy thấm (towel paper) bên trong? Có phải quét lớp muối bên ngoài mask vải? Sau khi giặt, có phải sấy hay phơi cũng được? Trả lời : Khẩu trang vải là loại ít công hiệu nhất. Xin nhắc lại là loại khẩu trang vải này chỉ công dụng một cách tương đối trong việc không cho bệnh của người đeo (nếu có) lây cho người khác. Nó không giúp ngăn ngừa bệnh từ người khác lây sang mình (hay rất ít). Nhưng ở thời điểm này chính phủ khuyến khích tất cả mọi người đeo khẩu trang, dù bằng vải vì người ta nhận ra rằng có đến 25% người không có triệu chứng mà vẫn có thể lây cho người khác. Ngoài ra, ta có thể lây cho người khác bằng hơi thở, chớ không chỉ lúc mình ho hay nhảy mũi. Đeo khẩu trang sẽ giữ được một phần những virus không cho bay ra ngoài để lây cho người khác. Khẩu trang còn có một công dụng khác nữa là ngăn chúng ta dùng tay sờ lên mặt, mũi. Vì sự lây lan chính của bệnh là lúc tay chúng ta bị nhiễm vi khuẩn và ta đụng vào mặt. Khẩu trang nên làm cho dày dặn để công hiệu hơn, nhưng phải đủ thoải mái, dễ thở để có thể đeo được lâu. Thay khẩu trang sau 4 giờ là đối với loại của bác sỹ, nếu muốn cho công hiệu tối đa. Còn loại khẩu trang bằng vải thì chúng ta phải giặt sau mỗi lần đeo (rất quan trọng). Sấy thì càng tốt vì hơi nóng diệt vi khuẩn, nhưng xà bông giặt và ủi lại cũng đủ. Không cần quét lớp muối lên khẩu trang. Ngoài ra cách sử dung loại khẩu trang này cũng rất quan trọng: sau khi đeo, chúng ta không được đụng vào mặt vải mà chỉ kéo hai sợi dây đeo vào tai của KT để lấy nó ra và cho liền vào thau giặt. Sau đó phải rửa tay bằng xà phòng trong vòng 20 giây như quy định. Và xin lưu ý mặc dù có khẩu trang chúng ta cũng nên tôn trọng sự kêu gọi của chính phủ hạn chế tối đa chuyện ra đường; không nên có ý tưởng sai lầm là bây giờ có khẩu trang chúng ta thoải mái ra đường Hỏi : Tôi nghe nói gừng rất tốt ngăn ngừa cảm cúm, vi khuẩn có đúng không? Tôi có bịnh về gan. Tôi có thể uống nước gừng không? Rượu tỏi có giúp làm cơ thể tăng chất đề kháng? Trả lời : Gừng, tỏi, vitamine C, xông hơi v.v đều không diệt cũng như không ngăn ngừa được virus Corona, nhưng không cấm. Người bệnh gan có thể dùng gừng nhưng nên cữ rượu. Hỏi : Chúng tôi ăn chay trường đã lâu. Vì nạn dịch, đi chợ khó khăn nên các con tôi chỉ mua rau cho chúng tôi. Xin được hỏi như vậy có sợ bị thiếu chất bổ, protein? Lúc này chúng tôi cần bổ sung gì để tăng chất đề kháng? Trả lời : Ô/B phải cần chất đạm (proteine), có trong đậu hũ, các loại đậu, hạnh nhân (amande), hột điều, hoặc sữa (nếu không dùng được sữa bò thì sữa đậu nành, hạnh nhân), fromage. Ngoài ra người ăn chay phải có thêm vitamine B12. Ô/B có thể nhờ mua đậu hũ hoặc nếu không có, có thể mua sữa Protein, Hemp Hearts, trứng, bột protein. Các loại đậu: xanh, đen, đỏ đều chứa nhiều protein. Tất cả đều có bán trong các chợ Tây. Hỏi : Tôi đang uống thuốc Perindopril ( Coversyl) để trị bệnh huyết áp cao. Nhiều người cho rằng uống thuốc này nguy hiểm nếu bị bệnh cúm Tầu ( Covid 19) và khuyên tôi ngừng thuốc. Có đúng không ? Trả lời : Những thuốc Inhibiteur de l'enzyme de conversion de l'angiotensine (IECA) , và Antagoniste du récepteur de l'Angiotensine ( ARA) dùng để chữa bệnh huyết áp cao, bệnh suy tim, bênh suy thận. Có nhiều giả thuyết cho rằng những loại thuốc này nguy hiểm khi bị bệnh Covid 19, dựa theo những nghi vấn này: - Những bệnh nhân bị huyết áp cao hay bị bệnh tiểu đường có rủi ro tử vong (6-7%) cao hơn trong dịch Covid 19 so với các bệnh nhân khác(2-3%). Có thể vì họ hay dùng các loại thuốc IECA và ARA ? - Nhiều thuốc trong loại IECA hay ARA làm tăng những récepteurs (thụ thể) tên là ACE 2 trên mặt các tế bào của phổi, tim, thận, ruột, vv . Coronavirus xâm nhập các tế bào của bệnh nhân bằng cách gắn liền vào những récepteurs ACE2 này. Vì vậy những bệnh nhân có nhiều récepteurs ACE 2 có thể bị coronavirus tràn vào dễ hơn ? Tuy nhiên trên thực tế KHÔNG có bằng chứng nảo cho thấy các loại thuốc IECA hay ARA làm tăng rủi ro bệnh Covid 19. Nhiều nghiên cứu đứng đắn phản biện rằng: - Không phải tất cả các thuốc IECA hay ARA nào cũng làm tăng những récepteurs ACE 2 trên các tế bào. Nhiều thử nghiệm không đưa ra kết quả đồng nhất. - Coronavirus làm giảm bớt các récepteurs ACE2 trên các tế bào. Trong tình trạng bình thường, những récepteurs ACE2 này phá huỷ chất Angiotensine II , vì vậy nếu récepteurs ACE2 giảm đi thì Angiotensine II sẽ tích tụ. Angiotensine II là một chất độc làm nặng thêm viêm phổi và suy tim. Ngược lại, những thuốc IECA hay ARA làm giảm đi hoặc ngăn chặn những hiệu ứng xấu của Angiotensine II. Vì vậy thuốc IECA hay ARA thay vì nguy hiểm, có thể làm nhẹ bớt bệnh Covid 19, trên lý thuyết . KẾT LUẬN: Không có bằng chứng nào cho thấy các loại thuốc IECA hay ARA làm nặng bệnh Covid 19. Trên thực tế, nếu bệnh nhân ngừng những thuốc này, những bệnh huyết áp cao, bệnh suy tim và suy thận có thể tái phát . Vì vậy các thẩm quyền y tế khuyến nghị bệnh nhân TIỂP TỤC DÙNG NHỮNG LOẠI THUỐC NÀY. Sau đây là danh sách các thuốc: tên hoá học (tên thương mại ) -IECA: Perindopril (Coversyl), Ramipril (Altace), Trandolapril (Mavik ), Lisinopril ( Zestril), Enalapril (Vasotec), Cilazapril (Inhibace) , Captopril (Capoten) vv -ARA : Telmisartan (Micardis), Candesartan (Atacand), Valsartan (Diovan), Irbesartan (Avapro), Olmesartan (Olmetec), Losartan (Cozaar), vv BS Phan Xuân Trường, Cấn Bích Ngọc và Dương Đình Huy Nguồn tham khảo: https://www.uptodate.com/home/covid-19-access |