Điểm Sách Còng Lưng Vẫn Gánh (Running on Empty) Nguyên tác của: Molloy, Duschinsky, Jensen, Shalka Ban Dịch Thuật: Đàm Trung Phán “Còng Lưng Vẫn Gánh” là một tác phẩm đầy ý nghĩa có giá trị lịch sử, đọc để người Việt chúng ta nhớ lại một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam, cũng như để tri ân lòng nhân đạo của nhiều quốc gia trên thế giới và nhất là để thấy sự vươn lên của nhiều thế hệ của người Việt lưu vong. “Còng Lưng Vẫn Gánh” cũng là hình ảnh nói lên sự quyết tâm của Ban Biên Tập và Ban Ấn Loát đã vượt mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành và đưa tác phẩm vô giá này đến tay đồng bào. Eloise và Anna Charet và Naomi Bronstein và chuyến bay chở trẻ mồ côi gặp nạn. Eloise và Anna Charet đã đưa các em đến Sài Gòn từ Nam Vang, trên một trong những chuyến bay cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Cam Bốt, do “Flying Tigers”, một nhóm phi công dũng cảm người Mỹ điều khiển, chỉ rời thủ đô Cam Bốt ngay trước khi Khmer Đỏ tiến quân vào. Các em nhỏ đã đến từ cô nhi viện Canada House, do nhóm Naomi Bronstein’s Families for Children thành lập ở Nam Vang. Bronstein; một phụ nữ trẻ người Canada, có chồng con ở Montreal, đã thành lập cô nhi viện ở Nam Vang bằng tiền của chính gia đình mình, cùng sự tài trợ mà cô nhận được từ các nguồn Canada và quốc tế. Hai chị em nhà Charet, hai người Quebec đầy lý tưởng, rất trẻ (22 và 20 tuổi), đã đến Nam Vang vào Giáng Sinh năm 1974, và điều hành Canada House cho đến lúc Khmer Đỏ tấn công, buộc họ phải chạy trốn khỏi Cam Bốt cùng những “đứa con của họ”. Khi biết rằng các trẻ thơ Cam Bốt đã được đưa đến Sài Gòn, Bronstein nhanh chóng tham gia cùng chị em Charet, những người đang chăm sóc hơn 50 trẻ em Cam Bốt tại thủ đô miền Nam Việt Nam, nơi hiện bị vây hãm. Bronstein đã có xoay sở được chỗ cho các trẻ mồ côi trên chuyến bay chở trẻ em của Hoa Kỳ, rời Sài Gòn vào ngày 4 tháng 4 năm 1975. Trong lúc đó, một chuyến bay quân sự CF-130 của Canada từ Hồng Kông đã đến Sài Gòn cùng ngày để giúp Canada di tản sớm. Sau khi thảo luận với Sử Lý Thường Vụ Canada (Canadian chargé d’affaires) Ernest Hébert, Bronstein biết được là sẽ có chỗ cho trẻ mồ côi Cam Bốt trên chuyến bay Canada trở về Hồng Kông, vì vậy cô đã nhường những chỗ này cho các trẻ mồ côi được chở từ Việt Nam sang California trên chuyến bay của Mỹ. Chiếc phi cơ Mỹ đã gặp nạn chính là chiếc mà ba người phụ nữ đã dự định làm hành khách cùng với các trẻ em của họ. Một bộ phim tài liệu về cô đã cho thấy một Naomi Bronstein đã hoảng hốt tìm kiếm những đứa trẻ còn sống trong đống mảnh vụn của chiếc phi cơ Galaxy khổng lồ đã bị rơi, và sau đó cô khóc nức nở tại phi trường khi các trẻ em đã được đưa lên phi cơ Canada để đến Hồng Kông. Một số trẻ em mà cô đã xoay sở đưa được lên chuyến bay Canada là những trẻ em Việt Nam bé xíu sống sót sau tai nạn. Chuyến bay đến Hồng Kông với các em bé, những người chăm sóc các em–bao gồm Bronstein và chị em nhà Charet–và những người Canada di tản khác, đã tới nơi an toàn. Tuy nhiên, báo cáo từ phi cơ có nói về tình trạng chật chội, với một phụ nữ Canada ngồi suốt chặng đường từ Sài Gòn đến Hồng Kông cố gắng dỗ dành 3 em bé trong lòng mình. Phi công Hoàng Gia Canada (RCAF) Thiếu Tá Bob Nicholson, phi công của chuyến bay từ Sài Gòn đến Hồng Kông, kể lại “Trong khung cảnh trên không, bên trên ruộng đồng Việt Nam xanh tươi, chiếc Hercules đã biến thành một nhà trẻ với em bé nằm trong những hộp giấy cứng lớn, được giữ chặt xuống phi cơ bằng dây cột các kiện hàng. Mọi người đã cùng xúm vào giúp đỡ, kể cả các chuyên viên cơ khí, phi hành đoàn và các phi công.” ![]() Elizabeth Heatherington và chuyến bay Babylift đầu tiên. Tôi đã đến khách sạn Causeway Bay để xem chồng tôi, Scott, có thể dành chút ít thời giờ đi ăn tối với tôi hay không. Anh ấy và các đồng nghiệp đã làm việc không ngừng kể từ lúc được tin các trẻ mồ côi đã đến Hồng Kông, trước khi được bay đến Canada. “Ừm ... tôi cần vài thiện nguyện viên.” Meryl ‘Bud’ Clark, Cao Ủy Canada tại Hồng Kông, nhẹ nhàng hỏi. Tôi trả lời “Tất nhiên” với ông Clark–tuy không rõ ông ấy cần giúp điều gì, nhưng nghĩ rằng điều đó chắc có liên quan đến các em bé. Ông ấy nói tiếp,“Tôi cần một số người tháp tùng chuyến bay đến Canada với các em bé – bà có thể giúp được không?” “Vâng,” tôi đáp. Ông Clark đã tập hợp được một số phu nhân khác, vợ của các viên chức trong Phái đoàn – Sandra Cameron (vợ của Donald Cameron, người đã từng ở Việt Nam giúp tổ chức chuyến không vận), Marilyn Quigley (vợ của Garnet Quigley), Jackie Missler, vợ của Cảnh Sát Hoàng Gia Art Missler, và tôi. “Bud” Clark gặp tôi vào khoảng 3 giờ chiều. Cùng buổi tối hôm đó, chúng tôi đã rời Hồng Kông với chuyến bay “Baby Lift”. Phi trường Kai Tak cũ kỹ ở Hong Kong chưa bao giờ được làm đẹp. Nó vẫn còn sống sót sau Thế Chiến Thứ Hai, với xi măng, gỗ và thiếc sơn màu vàng. Chúng tôi vội vã vào bên trong phi trường, để gặp nhân viên của hãng hàng không và sau đó lên phi cơ. Đó là một chuyến bay theo lịch trình thường xuyên. Bên trong phi cơ, hành khách hạng nhất ngồi phía trước, vé hạng thường ngồi kế đó, tiếp theo là khu vực dành cho chúng tôi. Phía sau chỗ ngồi của chúng tôi đã có một nhóm du khách, và họ rất kinh ngạc khi thấy chúng tôi bước vào phi cơ. Chúng tôi bồng bế trên tay một lũ trẻ con, trông không được khỏe mạnh lắm, khung cảnh thật ồn ào, người ta la hét nhau, cảnh tượng đó không dễ chịu chút nào. Tôi còn nhớ một cặp vợ chồng đã co rút tránh né khi tôi tiến đến để ngồi vào ghế của mình cùng với những đứa trẻ đang kêu khóc trên tay, trong đó có một bé bị nổi ban trông ghê sợ (tuy không lây nhiễm, nhưng tất nhiên họ không biết). Tuy vậy, tôi cũng trấn an vợ chồng ấy về điều này, nhưng họ vẫn còn tỏ vẻ kinh sợ lắm. Có lẽ, hãng hàng không đã không thông báo cho hành khách biết điều gì đang xảy ra, và đây cũng là một “chuyến bay nhân đạo”. Có lúc tôi nghĩ rằng có một số người không chịu nổi sẽ rời phi cơ, và điều đó rất có thể xảy ra – Tôi cũng không chắc. Bất thình lình, tất cả chúng tôi cố gắng dỗ dành các em bé, trong khi các tiếp viên hàng không đã chạy đôn chạy đáo cố gắng ổn định để máy bay cất cánh đúng giờ. Chúng tôi đã lên đường. Các em bé khóc la lúc cất cánh vì tiếng động cơ ồn ào và áp suất không khí thay đổi, nhưng sau đó đã lặng yên trở lại. Chúng tôi đã phải liên tục cho các em ăn uống, trước hết là sữa, sau đó là nước. Có nghĩa là chúng tôi phải thay tã thường xuyên cho các cháu và không còn thời giờ để ngồi xuống và suy nghĩ chi cả. Trong chuyến bay, có lúc phải thay đổi chỗ cho trẻ con, chúng tôi cố gắng dành chỗ thoải mái tối đa cho các em bé. Có một lúc, hành lý của chúng tôi đã bị dời quanh khoang máy bay. Tôi rất lo lắng trông chừng các văn kiện mà tôi được lệnh mang theo, và cất giữ chúng an toàn trong túi đựng tã. Tôi không hề rời mắt khỏi chiếc túi đựng tã đó cho đến khi tới Vancouver (ngay cả khi vào phòng vệ sinh!). Chuyến bay ấy, bây giờ vẫn tưởng như trong cơn mơ, đã không có thời gian để ngủ hoặc nghỉ ngơi, vì quá nhiều công việc phải làm. Tôi nhớ lại mình đã lo lắng về nhiệm vụ của mình, chỉ mong sao an toàn đến Canada. Có một em bé đã bị khó thở. Nhưng cũng có nhiều kỷ niệm ấm áp và đáng yêu: sau một bữa ăn, một trong những em lớn hơn đã đi vòng quanh để lượm kẹo tráng miệng “Smarties” trên khay bữa ăn tối của chúng tôi! Cô bé ấy thật xinh đẹp - một bé gái mảnh mai, có lẽ khoảng 7 hay 8 tuổi, với làn da màu nâu nhạt, điểm tàn nhang và mái tóc xoăn nâu vàng! Một vẻ đẹp kết hợp giữa miền Trung Tây Hoa Kỳ và nét thanh lịch của Đông Nam Á. Chẳng bao lâu sau máy bay hạ cánh. Các em đã rất sinh động trong suốt chuyến bay, nhưng “bé của tôi” thì lúc thức lúc ngủ. Tôi không thể tin rằng chúng tôi đã thực sự đáp xuống. Cả phi cơ thở phào nhẹ nhõm. Những hành khách thường lệ xuống phi cơ trước. Một số thậm chí còn nói “Tạm biệt và chúc may mắn…nhưng nhiều người đã không nói chuyện với chúng tôi. Rời phi cơ thật lúng túng, tôi rất lo lắng tìm kiếm Nhân Viên Di Trú để giao hồ sơ và cố dành chỗ cho đám trẻ con của tôi. Thật là hỗn loạn. Hàng trăm người xếp hàng phía sau một rào chắn – họ tìm cách sờ vào và gần như muốn bồng lấy các em bé. Tôi cảm thấy phải bảo vệ và ôm chặt lấy bốn em bé, bấy giờ đã vững vàng trong đôi tay tôi, với túi tã trên lưng (cùng với túi nhỏ của riêng tôi). Sau đó Nhân viên Di Trú đến và hỏi tìm hồ sơ. Tôi vô cùng vui mừng đưa cho anh ấy tất cả giấy tờ. Và thật bất ngờ, quý bà thuộc Tổ Chức Phi Chính Phủ (NGO) tìm thấy các nhân viên có nhiệm vụ liên lạc cho trẻ em và rồi hai em bé đã nhanh chóng được bồng khỏi tay tôi. Hai em bé còn lại đã đi cùng với tôi cho đến Montreal. Đột nhiên, tôi cảm thấy nhẹ nhõm – và thấy nhớ hai hình hài nhỏ bé ấy. Dường như đã không có nhiều thời gian chuyển tiếp. Chúng tôi lại lên chiếc phi cơ khác, có vẻ rất êm đềm, so với sự hỗn loạn và căng thẳng của chiếc đầu tiên. Bây giờ, chỉ còn ba người hộ tống (thay vì bốn) và tất nhiên các em bé cũng ít hơn. Sandra Cameron đã tiếp tục hành trình đến Toronto cùng “đứa con của cô ấy”, trong khi Marilyn Quigley và tôi đã bay tiếp đến Montreal. Chuyến bay xem như bình yên, và chúng tôi đã hạ cánh trong một cơn bão tuyết ở Montreal. Đã tối rồi, phái đoàn chào đón cũng ít hơn, và rồi thì tôi cũng phải nói lời từ giã với hai đứa bé cuối cùng “của tôi”. Hai đứa nó trông có vẻ lắng yên hơn mặc dù ngủ không yên giấc. Bây giờ thì chỉ còn lại một mình tôi. Phi trường đã đến lúc sắp đóng cửa, tôi chạy vào để xem mình có kịp lấy chuyến bay cuối cùng đến Ottawa. Tôi đã không có thời gian báo cho cha mẹ hoặc bất kỳ bạn bè nào biết tin mình về tới. Tôi vội vã tìm máy điện thoại công cộng (thời đó chưa có điện thoại di động), nhưng không thấy, ngay khi đó lại có tiếng thông báo chuyến bay Ottawa đang kêu hành khách. Tôi chạy tới cổng, nhưng nó cũng vừa đóng kín! Trở lại quầy bán vé, rất may là vẫn còn mở mặc dù đã gần nửa đêm, tôi hỏi thăm nhân viên xem tôi phải làm sao. Cô ấy đề nghị tôi đến một khách sạn ở Montreal, hoặc “ngủ qua đêm” tại phi trường. Một nhân viên khác nói rằng chuyến xe buýt Greyhound cuối cùng thường dừng tại trạm trên đường xa lộ, và may ra tôi có thể đón kịp nếu tôi chạy! Ngoài trời, phi trường đang giá lạnh và tuyết rơi. Tôi chỉ mặc một chiếc áo khoác ngắn tay bằng len mỏng, quần nhung kẻ màu nâu và áo sơ mi trắng. (Tôi còn nhớ mình đã mặc gì!). Đã không có chỗ trú ẩn, nhưng tôi chỉ biết là mình phải đón cho kịp chuyến xe buýt này, nếu nó đến. Nhiệm mầu thay, trong màn tuyết rơi mù mịt, tôi có thể nhìn thấy ánh đèn xe mờ mờ và hình dáng của chiếc xe buýt đang chạy ra khỏi cơn giông bão; tưởng như đang trong giấc mơ. Cô Joyce Cavanagh từ đảo Guam đến Đảo Wake Sau đó là chuyến bay của Joyce Cavanagh từ đảo Guam đến Đảo Wake và trở lại cùng ngày. Hãy thử hình dung việc làm của một phụ nữ trẻ bé nhỏ từ Thung Lũng Ottawa được một chiếc máy bay của quân đội Hoa Kỳ chở đi đón một nhóm người Việt Nam mắc kẹt trên đảo san hô ở giữa Thái Bình Dương. Khoảng cách trên không giữa đảo Guam và Đảo Wake là 4.900 km – chỉ kém khoảng cách bay giữa Vancouver, BC và St John’s, Newfoundland một chút. Nhưng theo cô kể lại thì là cả một cuộc phiêu lưu: Trong khi đang làm việc trên đảo Guam, vài người trong nhóm chúng tôi nghe nói rằng một số người Việt Nam đã đến được đảo Wake và sẽ được nhận vào Canada. Tôi là viên chức được chỉ định bay đến đảo Wake, tập hợp những người này và đưa họ trở lại Guam. Trong chuyến bay trở về, tôi đã giúp họ điền mẫu IMM8 (đơn xin di trú) và mọi giấy tờ cần thiết khác. Hoa Kỳ đã cung cấp một chiếc C-130 (Hercules) cho chuyến đi này. Không cần phải nói, đây là một kinh nghiệm mới cho tôi. Tôi không có gì để làm ngoài việc ngồi trong chiếc ghế treo của mình trong suốt thời gian bay trên chiếc máy bay trống rỗng quá rộng, ồn ào và lạnh lẽo. Người ta đưa cho tôi một hộp đồ ăn trưa trong đó có một quả cam, vì vậy tôi đã ăn sạch chỉ dành lại quả cam mà tôi cho rằng mình có thể cần trên chuyến bay trở về. Rất buồn mà phải kể rằng, quả cam đã bị tịch thu khi tôi đến đảo Wake; điều này thật vô lý vì cả hai đảo Guam và Wake đều là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Tôi phải thú thực thêm một lần nữa rằng mình không biết đảo Wake ở đâu, nhưng khi đến, sau thời gian dường như dài hàng giờ trên cái đảo ảm đạm đó, tôi nhận ra rằng nó là một khoảng hư không; một giải đất nhỏ giữa một đại dương rộng lớn, chẳng có gì ngoài một đường bay. Chúng tôi ở lại đảo Wake khoảng một giờ, vừa đủ lâu để đưa mọi người lên máy bay và bắt đầu chuyến trở về. Vào thời điểm đó, tôi tất bật phát các mẫu đơn, giải đáp thắc mắc, đi lui đi tới trên máy bay để giúp đỡ khi có thể. Tôi hoàn thành được nhiều việc trong khi bay, việc này giúp cho hồ sơ của những người tỵ nạn được nhanh chóng giải quyết khi chúng tôi quay lại đảo Guam. Tôi ước chừng có thể có đến 25 đại gia đình trên chuyến bay đó. Khi phi hành đoàn đang bận điều khiển chiếc phi cơ, tôi đã một mình chạy lui, chạy tới trong lòng máy bay chỉ có ánh sáng mờ mờ và lạnh lẽo đó. Không có phục vụ thức ăn, nhưng tất nhiên một phi cơ lớn cỡ đó phải có nhà vệ sinh, vì thế cho nên ít nhất đã giảm được một mối lo. Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy và con tầu Trương Xuân Bức điện tín SOS đầu tiên của chúng tôi đã được gửi đi vào ngày 2 tháng 5 như sau: “Từ Thuyền Trưởng của tầu Trường Xuân. Nước đã tràn vào phòng máy. Stop. Nguy cơ tầu sẽ chìm. Stop. Hơn ba ngàn người Việt Nam chạy trốn cộng sản đang bị đói khát. Stop. Nhiều trẻ bị ốm. Yêu cầu được cứu vớt khẩn cấp.” Vì điện tín SOS được gửi qua tần số khẩn cấp quốc tế, tôi chắc chắn rằng các tàu hiện đang đi lại trong khu vực mà nhận được thông điệp này sẽ đến cứu chúng tôi. Đó cũng là lý do tại sao tôi chấp nhận một số lượng lớn người tỵ nạn lên tàu. Chỉ trong mười phút, Thanh (nhân viên truyền tin của tàu) đã báo tin rằng tàu Clara Maersk (OWIK) của Đan Mạch đã nhận được thông điệp SOS của chúng tôi. Tôi liên tục ở trong phòng viễn thông chờ hồi âm. “Trường Xuân đã liên lạc với Hạm đội 7 của Mỹ chưa?” “Chưa. Chúng tôi không biết tần số của họ.” Một ngày trước đó, khi tầu USS Washington và một con tàu của Hạm Đội 7 của Mỹ đến gần Trường Xuân vào buổi chiều, mọi người đều rất mừng vì yên trí sẽ được cứu vớt; một số đã lấy chai nước uống của mình đổ từ đầu đến chân, và một số rửa tay. Nhưng cả hai chiếc tàu đã bỏ đi. Và rồi, các thuyền nhân được tầu Clara Maersk đưa đến Hồng Kông. Thuyền Trưởng Lũy tiếp tục kể: “Chúng tôi, hơn ba ngàn người tỵ nạn, xin bày tỏ lòng biết ơn đến Nữ Hoàng, đến nhân dân, chính phủ và Thống Đốc Hồng Kông, vì đã có lòng nhân đạo giúp đỡ chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn yêu cầu quý vị bảo đảm với chúng tôi rằng quý vị sẽ không đưa chúng tôi trở lại Việt Nam hoặc đưa chúng tôi đến bất cứ quốc gia cộng sản nào.” Vị đại diện Hồng Kông đã lập tức đứng dậy, nói rằng ông sẽ trở lại sau một giờ nữa với câu trả lời. Chúng tôi đoán rằng ông đã rời đi để thảo luận với Thống Đốc Hồng Kông. Bốn mươi lăm phút sau, ông quay lại và thông báo: “Không, không, không. Chúng tôi sẽ không bao giờ đưa quý vị trở lại Việt Nam hoặc đưa quý vị đến bất cứ quốc gia cộng sản nào”. Đầu tháng 6 năm 1975, Phương Lan đã bảo lãnh cả gia đình chúng tôi đến Canada. Lan là bạn cùng lớp thời trung học của Giang, con gái tôi, và từng du học ở Canada. Hiện nay Phương Lan đang sống ở Toronto. Toàn bộ gia đình của chúng tôi được phép nhập cư vào Canada. Chúng tôi chia tay với đứa con trai Phạm Trúc Lâm, hai đứa con gái, Phạm Thu Giang, Phạm Ngọc Dung, và chồng của Dung, cũng quyết định đi Canada. Vợ tôi đã khóc khi cho mỗi đứa con một ít tiền. Chính Phủ Quebec và con tầu Hải Hồng Báo chí và các phương tiện truyền thông hàng ngày đăng tải những tiến triển của người tỵ nạn Việt Nam mới đến định cư. Những câu chuyện lạc quan về kinh nghiệm lần đầu ở quê hương thứ hai như bữa cơm đầu tiên tại Canada, lần đầu tiên được thấy mùa đông tuyết đổ... đã làm ấm lòng dân chúng Canada. Canada tiếp tục chấp nhận và hỗ trợ những người tỵ nạn Đông Dương đã quá nổi tiếng của con tầu Hải Hồng. Cuộc thảo luận về vụ con tầu Hải Hồng đã lan rộng khắp nơi và gây chú ý nhiều đến sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ cho hàng chục ngàn người vẫn đang còn chờ đợi trong các trại tỵ nạn ở vùng Đông Nam Á. Chỉ trong năm 1978, số người Việt Nam đã đến Malaysia là 61 ngàn người và 49 ngàn người đến được Indonesia. “Tình hình bi đát của con tầu Hải Hồng cùng với sự gia tăng trốn thoát khỏi Việt Nam đã khiến giới truyền thông Canada và công chúng quan tâm và thương cảm cho những người này”. Nhiều người Canada quan tâm bắt đầu tổ chức các nhóm bảo trợ. Sự kiện bi đát của con tầu Hải Hồng đã thay đổi nhận thức chung trước đây của Canada về người tỵ nạn Việt Nam là không thể thích nghi với cuộc sống và khí hậu Canada, nay đã chuyển thành niềm tin là Canada “đã chào đón những người bị bức hại trong nhiều năm...Chúng ta nên chấp nhận ít nhất 10 ngàn đến 20 ngàn người tỵ nạn trong những trường hợp tương tự như năm 1956 từ Hung Gia Lợi, năm 1968 từ Tiệp Khắc, hoặc những người tỵ nạn từ Chí Lợi". Một bài xã luận đăng trên tờ báo Globe and Mail đã biện luận: “điều ít nhất chúng ta có thể làm là cam kết...chào đón 20 ngàn thuyền nhân đến Canada càng nhanh càng tốt. Con số này không phải lý do để tự khen ngợi. Nhưng nó sẽ là một sự khởi đầu”. Hải Hồng có tất cả các yếu tố cần cho một câu chuyện hấp dẫn (tham ô, tham nhũng, bi kịch kiếp người, và một kết thúc có hậu) đã là chất xúc tác đẩy mạnh sự thay đổi trong sinh hoạt của giới truyền thông Canada tường trình về vấn đề người tỵ nạn Đông Dương, và khơi động lòng nhân đạo của công chúng Canada đối với người tỵ nạn. Điều này cho thấy Canada thực sự có thể làm bất cứ chuyện gì để giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương của người tỵ nạn. Trong Bộ Di Trú, ông Hamilton và nhóm của ông đã thiết lập một mô hình “quyết làm được” với lòng nhân ái, khả năng thích ứng sáng tạo và quyết tâm sắt đá, đã trở thành một dấu ấn xác nhận những nghĩa cử cao đẹp của Canada về các hoạt động định cư tương lai ở Đông Nam Á. Giám Đốc Điều Hành Sở Di Trú Ian Hamilton, người chỉ huy việc cứu vớt 604 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam trên tàu Hải Hồng, đang bế một em bé lên bờ. (Hình cung cấp bởi Ian Hamilton). Bức ảnh biểu tượng cảnh ông Hamilton bế một em bé tỵ nạn đi xuống từ tầu Hải Hồng đã thu hút trí tưởng tượng của người Canada. Về mặt chính trị, chỉ ba tuần sau khi ông tiếp đón những người ty nạn tầu Hải Hồng, lần đầu tiên, Bộ Trưởng Di Trú Cullen trình bầy kế hoạch cứu giúp người tỵ nạn hàng năm của Canada trước Nội Các. Kế hoạch này đặt những người tỵ nạn Đông Dương vào điểm chính yếu của các nỗ lực về định cư của Canada và đưa đến một hướng đi tốt đẹp hơn cho rất nhiều các công cuộc tham gia cứu trợ về sau này. Chuyện cô bé ở trạm đón tiếp Nhân viên Di Trú Colleen Cupples đang giám sát đoàn người tỵ nạn Đông Dương tại phi cảng của chuyến bay quân sự của Canada để đến Canada. Cô thấy, trong hàng người xếp hàng chờ lên phi cơ, có một bé gái Việt Nam đang xách theo một cái thùng xô thường dùng để chứa nước to gần bằng cô bé. Một trong những nhiệm vụ của Cô Cupples là bảo đảm không cho người tỵ nạn mang thực phẩm vào Canada. Cô đến gần bé gái và nhẹ nhàng hỏi cô bé đang xách theo những gì. Bé gái mở nắp thùng ra cho cô xem. Thùng chứa nước. "Khi gia đình cháu vượt biển rời Việt Nam," bé gái nghiêm trang giải thích với nhân viên phiên dịch,"tất cả mọi người đều bị khát nước. Bây giờ cháu đang đi đến Canada, cháu không biết là bao xa, nhưng chắc chắn sẽ là một hành trình rất là xa và cháu sẽ không bao giờ muốn mình bị khát nước như trước đây.” Chuyện ở Trung Tâm tiếp đón Longue – Point Nhân viên Bộ Nông Nghiệp lãnh trách nhiệm trong việc kiểm soát người tỵ nạn khi họ tới căn cứ quân sự. Một buổi sáng nọ, vừa bước vào phòng làm việc, tôi thấy một giấy nhắn phải điện thoại ngay cho ông Claude Bourget ở Longue-Pointe. Claude Bourget cho biết vào lúc 5 giờ sáng hôm đó, nhân viên Bộ Nông Nghiệp đã tịch thu và đem đốt tất cả các dép nhật của người tỵ nạn. Mọi người ở trung tâm đón tiếp chẳng hiểu tại sao và hết sức hốt hoảng! Phải làm sao bây giờ? Tôi yêu cầu ông Claude Bourget làm ngay hai việc: một là thông báo cho người tỵ nạn biết là trung tâm sẽ cấp dép mới, và hai là đến gặp nhân viên bộ Nông Nghiệp ngay để họp tìm cách giải quyết vấn đề. Tôi cần mua dép ngay, nhưng khi đó mùa Đông gần tới rồi, đâu có tiệm nào bán dép nữa! Tôi yêu cầu một nhân viên đi tìm bất cứ cửa tiệm nào có thể bán cho chúng tôi khoảng một trăm đôi dép. Sau khi lùng kiếm khắp thành phố Montreal, nhân viên nọ báo cáo là công ty Zellers đồng ý mở cửa kho hàng của họ để lấy một trăm đôi dép bán cho chúng tôi. Sau đó, tôi đến gặp nhân viên Bộ Nông Nghiệp và được giải thích cho biết là đế của những đôi dép người tỵ nạn dùng ở bờ biển của các quốc gia tạm trú trong vùng Đông Nam Á đã dính cát, và cát này có thể mang theo côn trùng hay ký sinh trùng tới Canada, do đó đây là một điều nguy hiểm cho Canada. Tôi cho nhân viên Bộ Nông Nghiệp biết là hành động của họ khiến người tỵ nạn vô cùng hoảng hốt! Tôi muốn biết họ có thể tìm cách nào khác không? Sau một hồi thảo luận, có người đề nghị dùng phương pháp hun khói để trừ sâu và vi khuẩn. Kể từ đó, phương cách này được áp dụng để tẩy sạch dép của người tỵ nạn. Chuyện này khiến tôi phải suy nghĩ. Trước đó, tôi đã nghĩ đến việc tịch thu và tiêu hủy quần áo của người tỵ nạn sau khi đã phát quần áo mới cho họ, nhưng bây giờ thì tôi nhận thức được rằng đối với người tỵ nạn thì những bộ quần áo đó là tất cả tài sản họ còn có được. Vì lý do này, thiếu tá chỉ huy trưởng đã cung cấp phòng giặt giũ. Với tôi, điều quan trọng là phải nhanh chóng tìm phương cách để giải quyết mọi khủng hoảng, cũng như phải tạo điều kiện để nhân viên phát biểu và trao đổi kinh nghiệm.Tôi muốn họ trao đổi về cách giải quyết vấn đề hơn là chỉ nói về vấn đề. Ngày nọ, tôi nhận điện thoại từ một Liên Lạc Viên làm việc tại Quebec City báo cho biết là ở Saint-Féréole-les-Neiges, một thành phố nhỏ tọa lạc bên ngoài Quebec City, có một gia đình tỵ nạn cần được chữa răng. Vị nha sĩ duy nhất làm việc tại thành phố nhỏ này từ chối điều trị cho người tỵ nạn, viện lý do ông ta có thể bị lây bệnh truyền nhiễm qua máu. Tôi liên lạc ngay với vị giám đốc Y Tế Quốc Gia để nhờ ông giải quyết vấn đề, vị nha sĩ đã được về tình trạng về tình trạng sức khỏe của những người tỵ nạn. Sau đó không bao lâu, tôi lại nhận điện thoại từ một nhân viên Bộ Di Trú Quebec cho biết một trung tâm đón tiếp ở Montreal có nhận một số người tỵ nạn mắc bệnh cùi! Tôi lại phải cầu cứu ông giám đốc Y Tế Quốc Gia. Hóa ra, đây là một số người tỵ nạn bị mắc bệnh ghẻ ngứa, chứ không phải bệnh cùi. Ông giám đốc Y Tế Quốc Gia liên lạc với trung tâm đón tiếp dân tỵ nạn ở Montreal để hướng dẫn nhân viên tại đây cách điều trị bệnh này. Truyện của Ông Molloy tại Trung Tâm tiếp đón Griesbach Ông Guy Cuerrier, phụ trách công vụ tại Griesbach, là một trong những viên chức tính tình nhã nhặn và luôn tôn trọng mọi người mà tôi đã có dịp cùng làm việc. Vậy mà vào một buổi sáng trong tháng Hai, khi tới sở tôi nhận được một bức điện báo được soạn một cách "thẳng thừng" do ông Guy Cuerrier gửi như sau: "Ông Molloy, nếu ông nhất định buộc chúng tôi phải tịch thu quần áo lót của người tỵ nạn sau khi họ khám sức khỏe, thì trong tương lai chúng tôi sẽ đóng thùng lô quần áo lót này và gửi về văn phòng của ông." Các viên chức y tế, vốn rất nhiệt tình trong công tác, nhất định ra yêu cầu là quần áo lót người tỵ nạn mặc khi đến Canada cần phải bị tịch thu rồi đem đi tiêu hủy. Đây là chuyện vẫn làm từ trước tới giờ, và chẳng có lời than phiền nào cả. Lần này sao lại rắc rối to vậy? Tôi điện thoại ngay cho ông Guy Cuerrier để hỏi điều gì đã khiến ông ta gửi bức điện báo "thẳng thừng" này cho tôi. Ông cho biết là vào nửa đêm hôm trước, nhân viên ở Griesbach đã gọi điện thoại khẩn cấp báo tin là có một cuộc náo động lớn tại trung tâm. Guy Cuerrier đã phải lái xe chạy xuyên qua thành phố Edmonton trong đêm đông lạnh buốt để đón một thông dịch viên rồi chạy thẳng đến trung tâm. Tại đây, hai quân cảnh tức tốc đưa ông ta và thông dịch viên tới doanh trại mà người tỵ nạn tạm trú. Khi đến nơi, ông thấy tất cả mọi người tỵ nạn còn thức và đi lại với vẻ cực kỳ bối rối. Sau cùng, ông và thông dịch viên tiến về phía phòng ở của một gia đình tỵ nạn nơi đang có náo động. Ông thấy mọi người trong gia đình, nhất là bà mẹ, rất đau buồn. Phải mất một thời gian ông ta mới có thể trấn an mọi người và cuối cùng thì cũng biết được chuyện gì đã xẩy ra. Trước khi rời khỏi Việt Nam, gia đình này đã bán hết mọi thứ để lấy tiền mua một viên kim cương lớn. Để dấu kín nó, bà mẹ đã khâu viên kim cương này vào bên trong áo nịt ngực của mình. Trong suốt cuộc vượt biển đến bờ tự do, trong suốt những tháng tạm trú trong trại tỵ nạn và trong suốt chuyến bay dài đến Canada, viên kim cương luôn luôn được cất dấu bên trong áo nịt ngực bà mẹ mặc trên người. Thế nhưng, quá vui mừng vì đã đến được Canada, nên sau khi đi tắm lần đầu tiên tại trại, bà mẹ đã thẳng tay vứt chiếc áo nịt ngực trong đó có dấu viên kim cương vào trong thùng đựng quần áo dơ. Vài giờ sau, bà mới chợt giật mình nhớ đến viên kim cương. Guy biết chắc là các thùng nhỏ đựng quần áo dơ được đổ vào trong thùng rác lớn rồi được chuyển tới nơi chờ tiêu hủy. Thế là, sau một thời gian dài lục lọi trong những thùng rác lớn, người ta đã tìm thấy cái áo nịt ngực trong đó có dấu viên kim cương và mang trả lại cho chủ nhân. Màn lục thùng rác này quả là chẳng hứng thú gì! Tôi kể lại chuyện này với viên chức Bộ Y Tế Canada ở Ottawa. Tôi đề nghị với ông ta là trong tương lai, sau khi tịch thu quần áo lót đã mặc của người tỵ nạn, tôi sẽ gửi những lô quần áo đó sang Bộ Y Tế. Sau khi nghe xong đề nghị của tôi, viên chức bộ Y Tế đồng ý một cách nhanh chóng với tôi là nếu người tỵ nạn tự giặt những quần áo mà họ mặc trong chuyến bay tới Canada bằng các máy giặt do bên quân đội cung cấp, thì bộ Y Tế sẵn sàng rút lại yêu cầu buộc dân tỵ nạn phải vứt bỏ quần áo lót sau khi đi khám sức khỏe! Những nỗi khó nhọc của nhân viên di trú phải chịu đựng khi đi phỏng vấn Một nhân viên kể lại rằng trong hơn một năm, ông ta và các đồng nghiệp đều làm việc bẩy ngày một tuần. Có một lần, ông ta thấy mình tỉnh dậy tại Viện Điều Dưỡng ở Bangkok, đang được truyền nước biển, ông đang lên cơn sốt mà không biết rõ nguyên nhân. Murray Oppertshauser, người phụ trách nhóm của ông đã đến thăm và nói đùa rằng “Bạn được nghỉ phép hết ngày hôm nay”. Đi đến các trại tỵ nạn rất khó khăn. Bill Sheppit, trên đường đến Mersing, một trại tỵ nạn cách Singapore 4 giờ lái xe, đang lái một chiếc xe thuê trên một con đường rừng gồ ghề thì bị một chiếc xe vận tải chở gỗ tạt ngang qua. Xe của ông xoay 360 độ rồi lật xuống cách mặt đường 15 mét thì dừng lại. Ông gượng đứng lên, thấy choáng váng, xương không bị gãy, nhưng nhìn thấy nhiều mảnh thủy tinh ở trên tóc, máu chảy khắp nơi và người dính đầy bùn đỏ. Chồng hồ sơ tung tóe khắp trong xe. Một cặp vợ chồng người Đức đi ngang qua, họ thuê taxi đưa ông ta trở lại Singapore. Bước vào văn phòng, người bê bết bùn và máu, cấp trên của ông, trông thấy đã khôi hài “Bạn đã làm hết mình, đáng khen rồi đó”. Đó là sự hài hước của nhân viên Canada trong Bộ Ngoại giao! Bà Tove Bording, cấp trên của Sheppit, khi đến thăm trại Khlong Yai ở Thái Lan gần biên giới Cam Bốt, đã lái xe trên một con đường khủng khiếp ở chặng cuối. Bà nghĩ con đường đang được sửa chữa khi xe của bà lái len lỏi giữa những hố đang bị đào xới. Bà không thể ở lại Khlong Yai và phải trở về Trat gần đó mỗi đêm. Bà đã đi bốn lần trên con đường đó. Sau khi trở về Singapore, bà mới biết con đường này không hề được sửa chữa mà đang bị đào bới liên tục để gỡ mìn! Mỗi chuyến thăm trại là một kinh nghiệm. Trại Laem Sing nằm dọc theo sườn đồi với ngôi chùa Phật giáo trên đỉnh cao. Các nhóm phỏng vấn thường làm việc trong nơi hỏa táng tại ngôi chùa. Tại lò hỏa táng, Ủy Ban Trại Tỵ Nạn đã làm một tấm biển để điền tên nước của phái đoàn di trú vào chỗ trống, “Nồng nhiệt chào đón phái đoàn_________”. Ông Gerry Campbell nhớ lại những chuyến đi kéo dài cả tuần. Bắt đầu bằng các chuyến bay đến các khu vực đã được chỉ định, sau đó là đi xe đến các trại. Đôi khi cũng phải đi thuyền đến các trại trên đảo. Có một trại như vậy là trại Pulau Bidong ở Maylaysia. Thuyền bè liên tục đến từ Việt Nam và trại đã quá tải với khoảng hàng chục ngàn người Việt, những chiếc thuyền bị bỏ rơi của họ được kéo lên bờ và đậu trên cát. Ngoài những nơi trú ẩn thô sơ, lúc đó không còn có các tiện nghi nào khác: không có nước máy, nhà vệ sinh, hay điện. Phái đoàn phải làm việc cả ngày lẫn đêm và phải sử dụng đèn dầu để tuyển chọn và duyệt xét rất nhiều hồ sơ vì thời gian bị hạn định. Đã nóng và độ ẩm gay gắt, lại còn bị gay gắt hơn vì phải làm việc ở ngoài trời và chung quanh toàn là những đám đông người Việt tỵ nạn. Đa số mọi người đều hy vọng họ có cơ hội đưa gia đình thoát ra khỏi các trại tỵ nạn tồi tệ này. Những chuyến đi này thật mệt tới kiệt sức. Các nhân viên Canada vẫn sống còn sau những ngày dài chỉ ăn uống với trà tầu và mì gói. Ban đêm, ở một nơi như trại Pulau Bidong, họ ngủ ngay trên những chiếc bàn gỗ mà họ đã dùng để phỏng vấn lúc ban ngày hơn là lên thuyền để trở về đất liền. Đôi khi họ may mắn kiếm được chỗ ngủ tốt hơn trong nhà thương bằng gỗ dựng tạm trong trại. Ngủ ở tầng trên của cái giường hai tầng, để tránh các con chuột chạy trên sàn nhà suốt cả đêm. Trại phía Đông Nam của Mã Lai chứa khoảng 10 ngàn người tỵ nạn nằm trên hòn đảo Pulau Tengah, cách cảng đánh cá Mersing của Mã Lai một giờ đi thuyền. Đó là một bãi biển cát trắng mịn, giống như một khu nghỉ mát miền nhiệt đới. Nhưng đó lại là một bãi biển toàn là rác gồm những mảnh tàu rỉ sét của Việt Nam, phần lớn do Hải quân Mã Lai kéo vào và bỏ ở đó. Các nhân viên Canada đã đánh giá cao những người Việt Nam trong các trại này. Họ không những chỉ là những người sống sót mà họ còn sống sót với nụ cười và thái độ tích cực. Họ sử dụng khoảng thời gian chờ đợi dài vô định của họ trong các trại để tận lực làm việc. Họ tổ chức cuộc sống trong trại để đương đầu với tình hình ảm đạm. Chính những người tỵ nạn đã thành lập cách cai quản ở trại. Các cuộc bầu cử đã được tổ chức. Các ủy ban được thành lập để bảo đảm sự an toàn công cộng, xây dựng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giải trí và hỗ trợ các nhân viên của các cơ quan quốc tế và các phái đoàn nước ngoài khi họ đến thăm các cộng đồng người Việt tạm bợ này. Leo Verboven kể câu chuyện về một chuyến đi đến tỉnh Nan cùng với một số trại gần đó có tên Hoa Hmong, Yao và một vài trại Hạ Lào. Sau khi vào được trại, Leo đã tìm được một thông dịch viên và yêu cầu anh ta tìm những người tỵ nạn có người thân ở Canada. Cơ sở hạ tầng của trại quá thô sơ, thô sơ đến nỗi không có văn phòng hay hàng quán gì cả, thậm chí không có đến một nhà kho để thực hiện các cuộc phỏng vấn. Vì có quá ít người để phỏng vấn, ông ta đã chọn một cái bàn dài làm cây, trong bóng râm, làm “văn phòng” của mình. Trong lúc phỏng vấn, bỗng có tiếng ồn ào cách đó vài mét khi một số thanh niên đang vây đánh môt cái gì ở dưới đất. Không biết chuyện gì đang xảy ra, Leo dừng cuộc phỏng vấn để xem. Rồi một tiếng hoan hô vang lên, và một trong những người thanh niên nhấc một con rắn lớn đã bị đập chết. Con rắn đã phải trốn cái nóng, và tránh những người trong trại bằng cách ngủ dưới những khúc gỗ mà Leo đang sử dụng làm “văn phòng”. Bị quấy rầy bởi sự xâm nhập của Leo, con rắn đành phải bò ra và ngay lập tức nó bị người đánh chết. Người thanh niên đã giết con rắn cho biết, nó sẽ được cho vào nồi ăn tối hôm đó, và Leo được coi là nguyên nhân con rắn này bò ra, cho nên ông sẽ được mời đến nhậu với họ. Leo muốn nhận lời, nhưng sợ nguy hiểm bị du kích tấn công khi chiều tối nên ông không dám ở lại. Leo rất tiếc vì đã bỏ lỡ một bữa nhậu thật vui. Các trường hợp khó khăn đặc biệt cần giải quyết Các viên chức đã cố gắng hết sức để giúp cho những người có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Robert Shalka, một trong những tác giả của cuốn sách này, đang ở văn phòng Bangkok vào một buổi chiều thứ sáu khi nhân viên tiếp tân của Tòa Đại Sứ gọi điện cho biết một phụ nữ trẻ không nói được tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Thái, đang ở quầy tiếp tân cầm một bức thư viết tay từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cho biết cô là người Việt Nam và muốn đoàn tụ với người thân của cô ấy ở Canada. Ông Shalka gọi cho một đồng nghiệp được ủy quyền Đại Sứ để hỏi xem có biết ai nói tiếng Việt không. May mắn thay, người vợ của một trong những người phụ tá của ông là người Việt Nam. Bà đến ngay để thông dịch và câu chuyện thương tâm của cô gái đã được giãi bày. Sáng sớm ngày hôm đó, cô gái này đã đến cổng chính của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, nơi một trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến, đã từng phục vụ tại Việt Nam và nói được một chút tiếng Việt, khẳng định rằng cô muốn đi Canada, nơi cô có một người chị ở đó. Người lính viết giùm cô một tờ giấy giải thích và đưa cô lên taxi đến Tòa Đại Sứ Canada. Qua thông dịch viên, cô cho biết cô đã đến từ Sài Gòn, và cha cô là một cựu sĩ quan trong Quân Lực Nam Việt Nam Cộng Hòa đã bị đưa đi “cải tạo”. Chị cô đã rời Việt Nam bằng thuyền vài tháng trước đó, đã đến Mã Lai, và được đi định cư tại Canada. Mẹ của cô đã thu xếp tiền bạc để cô đi bằng một chiếc thuyền khác. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chiếc thuyền đã gặp cướp biển Thái Lan, chúng cướp đồ đạc của những người tỵ nạn và bắt những phụ nữ trẻ lên thuyền của chúng để hãm hiếp, sau đó chúng đã ném họ xuống biển. Cô gái trẻ biết cơ hội sống sót duy nhất của cô là phải gắn bó với một trong những tên cướp biển, với hy vọng là tên này có thể bảo vệ cô cho đến khi đến đất liền. Cô lại gần một tên cướp biển mà cô cho là trẻ nhất và bằng cách nào đó cô đã tỏ rõ với hắn cô sẽ bằng lòng làm ‘vợ’ của hắn nếu hắn bảo vệ cô. Anh chàng cướp biển này chấp nhận, và cô ở gần hắn trong suốt thời gian còn lại ở trên biển. Cô không biết số phận của những người tỵ nạn khác ra sao. Những tên cướp biển, cuối cùng đã về đến cảng nhà của chúng ở miền nam Thái Lan. Cô đã cố gắng làm cho “người bảo vệ” của mình hiểu rằng cô muốn đến Bangkok. Anh ta mang lén cô vào bờ, và họ đến Bangkok sau chuyến hành trình bằng xe buýt kéo dài vài ngày, nơi mà anh ta đã để cô ở lại trước cổng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Sau khi nghe câu chuyện này, ông Shalka đã nhanh chóng nhắn tin đến văn phòng ở Singapore để giải thích sự việc, với tên và tuổi của chị gái và anh rể cô gái, ông được cho biết là những người này đã đã đến Canada từ Mã Lai. Bước tiếp theo là tìm một nơi nào đó ở Bangkok an toàn để cô gái có chỗ trú ngụ trong khi chờ để kiểm chứng câu chuyện và sắp xếp chuyến đi của cô tới Canada. Ông Shalka gọi cho Nhân Viên Bảo Vệ của Cao Ủy Tỵ Nạn ở Bangkok, giải thích hoàn cảnh và yêu cầu cho cô được ở tại Trung Tâm Chuyển Tiếp và Tạm Giữ Di Trú Thái Lan ở Suan Plu. Đây là nơi tạm trú tốt nhất cho cô ở lại vì có những người Việt Nam khác và cũng được Cao Ủy Tỵ Nạn bảo vệ. Nhân Viên Bảo Vệ đồng ý. Họ gặp nhau tại Trung Tâm Tạm Giữ và sắp xếp để Cơ quan Di trú Thái Lan bắt và giam cô với tư cách là ‘người nhập cư bất hợp pháp’. Họ giải thích cho cô hiểu là phải mất vài ngày để tìm ra chỗ ở của chị cô và sắp xếp để cô được đoàn tụ với gia đình. Văn phòng ở Singapore sớm xác nhận chị gái và anh rể cô đã được chấp thuận đến Canada và họ mới rời trại một hoặc hai tháng trước đó. Họ đã nhanh chóng liên lạc và được thông báo em gái của họ đã an toàn và đang chờ đoàn tụ. Sau khi thủ tục tiến hành nhanh chóng, cô gái trẻ đã được đi Canada trên chuyến máy bay sớm nhất từ Bangkok. Một trong những sự việc kỳ lạ nhất được đưa ra ánh sáng nhiều năm sau. Được bổ nhiệm đến Singapore, ông David Ritchie chịu trách nhiệm về Chương Trình Trẻ Em Không Có Người Đi Kèm. Các phương tiện truyền thông Canada cho biết có “trẻ mồ côi” đang ở một mình trong các trại. Tìm ra những trẻ vị thành niên này trở thành ưu tiên hàng đầu vì một số gia đình Canada đã được sàng lọc kỹ lưỡng và hội đủ các điều kiện khắt khe của tỉnh bang để chăm sóc các trẻ ấy như một con nuôi tạm thời. Khi đến các trại để tìm trẻ vị thành niên không có người đi kèm, ông Ritchie nhận thấy rất ít trẻ em thực sự ở một mình. Một số không có cha mẹ nhưng chúng đã được giao cho người thân chăm sóc trong cuộc di tản đầy rủi ro từ Việt Nam với hy vọng là sau này các em sẽ được đoàn tụ với cha mẹ. Ông Ritchie tìm thấy vài trăm thanh thiếu niên không có người đi kèm, có thể dưới hay không dưới 16 tuổi, tuổi được đòi hỏi trong chương trình đặc biệt này. Trường hợp của những nam thanh niên này đã phản ảnh nỗ lực của nhiều gia đình Việt Nam muốn tránh cho con trai không phải đi lính. Nhiều gia đình đã làm thẻ căn cước giả trong đó tuổi của đứa trẻ được ghi nhỏ hơn tuổi thật. Chiến thuật này có thể làm trì hoãn việc đi lính một thời gian, sau đó tuổi giả cũng sẽ bị đưa vào danh sách nhập ngũ. Đến lúc đó, hết hy vọng, nhiều gia đình nghèo chỉ có thể dành dụm đủ tiền để hối lộ cho người tổ chức những chuyến vượt biên bí mật để đem một đứa con trai đó đi mà thôi. Trong các trại, Cao Ủy Tỵ Nạn (UNHCR) đã gặp khó khăn trong việc tìm hiểu xem những thanh niên này thực sự là ai và nhất là tuổi thật của chúng. Ông Ritchie cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Để giải quyết tình trạng khó khăn này, ông nhờ mấy cô thiện nguyện viên, trước kia là gái bán bar ở Saigon giúp ông trong việc phỏng vấn và làm giấy tờ. Mấy cô này rất tài tình, có con mắt và đôi tai tinh đời đối với người khác giống. Bằng trực giác, các cô đoán biết được về sức khỏe và tuổi tác của những chàng tỵ nạn trốn lính này. Cuối cùng ông Richie cũng đã kiếm được vài chục thiếu niên thực sự sống một mình trong trại. Các em cần phải có cha mẹ nuôi để được sống trong tình thương yêu, bao bọc của gia đình. Cách làm việc của ông Ritchie tuy “không giống ai” nhưng mà đem lại kết quả khả quan. Những mẩu chuyện thương tâm và lòng dũng cảm của các em nhỏ. Các nhân viên đã được nghe những câu chuyện kinh hoàng từ nhiều người tỵ nạn. Đa số họ là những người sống sót duy nhất trong gia đình. Một nhân viên kể lại rằng một ngày nọ, khi đến Pulau Tengah, ông đã nhìn thấy một ông già trên cầu tàu trong tình trạng điên loạn. Sự thật là người đàn ông này đã lên bờ cùng gia đình trên một chiếc thuyền nhỏ có khoảng 120 người. Hải quân Mã Lai đã bắt các thuyền nhân trở lại thuyền và rồi kéo thuyền ra biển. Con thuyền sau đó đã bị lật úp và tất cả người trên thuyền bị rơi xuống biển. Theo các nguồn đáng tin cậy, các thủy thủ Mã Lai sau đó đã đẩy ra biển những ai đang cố gắng bám vào thuyền. Cảnh tượng dã man này chỉ kết thúc sau khi những người lính Mã Lai đã chán và họ đã vớt khoảng 40 người sống sót rồi đưa những người này về trại. Ông lão là người sống sót duy nhất trong một gia đình gồm có 12 người. Sau khi trở về Singapore, nhân viên Canada cảm thấy kinh hoàng trước sự việc đã gọi điện thoại nặc danh cho giới truyền thông để cho biết về sự việc thương tâm này. Trong một chuyến truyền đạo ở Manila, một cô gái 15 tuổi đã làm thông dịch viên cho tôi. Tuy còn trẻ nhưng cô bé rất chín chắn. Tôi hỏi em đã chọn được nơi định cư chưa, em nói em thấy rất vô vọng vì chẳng ai có thể giúp em được. Tôi hỏi tại sao thì em cho biết mẹ em là một gái mãi dâm. Em đã trốn khỏi Việt Nam với một đứa em trai và một đứa em gái, nhưng chẳng nước nào muốn nhận em vì cha em đang ở Mỹ. Tôi hỏi tại sao em không đi Mỹ để đoàn tụ với cha em. Em nói đã gọi điện thoại cho cha em nhưng ông cho biết ông đã có một cuộc sống mới và không muốn liên lạc với em nữa. Canada đã có chương trình cho các trẻ em không có thân nhân đi cùng. Tôi khuyên em nên ghi danh với tỉnh bang Quebec. Sáng hôm sau, em mang đứa em trai 12 tuổi và đứa em gái nhỏ hơn đến gặp tôi. Ba chị em trông giống hệt như nhau, câu chuyện chị em ruột thịt mà cô bé kể đúng là sự thực rồi. Tôi nhờ một nhân viên của Chính Phủ Liên Bang Canada lập ngay hồ sơ cho các cháu để dễ bề kiếm người bảo lãnh cho ba chị em này. Công việc chẳng mất bao nhiêu thì giờ. Tôi không biết câu chuyện về sau ra sao. Tôi chỉ cầu mong cho ba chị em được sống yên ổn tại Quebec mà thôi. Hồ sơ của những đứa trẻ và gia đình bảo trợ đã trở thành hiện thực khi một trong những người tổ chức được yêu cầu tới trại chuyển tiếp Griesbach ở Edmonton để gặp nhóm trẻ đầu tiên, tất cả đều đến Ontario. Những thông dịch viên Việt Nam có khả năng sinh ngữ và có khiếu với trẻ con đã có mặt để hòa đồng với các cháu. Các trẻ em này đến Canada vào một ngày lạnh cóng tháng Hai năm 1980. Chúng mặc quần short, áo thung ngắn, nhiều đứa đi chân đất hay đi dép nhật. Các binh sĩ to con tại doanh trại bước vào máy bay. Khi họ ra khỏi máy bay, họ dịu dàng bế các cháu được quấn trong chăn. Các cháu được cho uống nước ấm và các thông dịch viên chào đón chúng bằng những vòng tay ấm áp. Khi ở Edmonton, các cháu sống trong trại lính, ngủ trong các giường hai tầng. Các thông dịch viên ở lại với chúng 24 tiếng đồng hồ một ngày. Có cháu bé còn ngủ trên tay của các thông dịch viên nữa. Có vài nhóm anh chị em và một trong nhóm đã làm một nhân viên trong ban tổ chức rất xúc động. Đó là một cháu gái 15 tuổi và đứa em trai 7 tuổi, hai chị em không bao giờ rời nhau. Hai chị em đến ở với một bà đã từng là một người tu xuất sống ở miền đông Ontario. Người trong ban tổ chức cùng với người thông dịch viên đã bỏ nửa ngày duyệt qua quyển sổ về bà mẹ nuôi của hai cháu. Họ giải thích cho các cháu biết từng cái hình và cho biết nhiều điều khác liên quan đến cuộc sống của các cháu. Cô chị rất thông minh, hết sức chăm sóc đứa em trai nhỏ và tuyệt đối tận tụy làm bất cứ điều gì có lợi cho em và nhất là để chị em được đoàn tụ với gia đình sau này. Nhiều năm sau, vào năm 1998, một bà trong Ban Tổ Chức ở Griesbach ngày xưa, nay được gọi đi làm nghĩa vụ trong bồi thẩm đoàn của tòa án. Trong lúc ngồi chờ ở tòa án tại Toronto, bà đã nghe thấy tên một người được gọi lên, hóa ra đó là tên cô gái đã đến Canada khi mới 15 tuổi với đứa em trai tại Griesbach. Cô gái nay đã trên 30 tuổi. Bà tiến đến và hỏi có phải cô là bé gái đã tới Canada với đứa em trai rồi tới ở cùng nhà một vị nữ tu xuất ở miền đông Ontario không. Cô gái trẻ ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao Bác biết?” “Chúng ta đã gặp nhau 18 năm trước !” Quá xúc động, cô gái nói: “Vậy hóa ra Bác là người đã chỉ dẫn cho hai chi em con tất cả những gì trong quyển sổ chỉ dẫn !” Cả hai người đều khóc. Cô kể cho bà biết sau khi học xong Trung Học, cô đã đi làm ngay để giúp cho em trai và để dành tiền bảo lãnh cho cha mẹ sang định cư tại Canada. Gia đình nay đã được cô bảo lãnh và đoàn tụ tại Canada. Cậu em trai đã tốt nghiệp kỹ sư. Cô được nhận vào Bồi Thẩm Đoàn, còn bà thì không được. Một trong những khía cạnh bi thảm trong những câu chuyện cứu người là sự khó khăn mà các cháu bé tỵ nạn gặp phải, ngay cả khi các cháu đi cùng với gia đình. Khi định cư tại nơi xứ lạ quê người, tất cả đều xa lạ để rồi có lắm cháu bé mới 10 tuổi đầu đã phải bắt buộc trở thành người chủ của gia đình. Lý do là vì các cháu là người duy nhất biết đôi chút tiếng Anh. Các cháu đã phải giúp bố mẹ đi thương lượng mượn tiền mua xe, điều đình giá cả thuê nhà với chủ nhà, than phiền về có gián trong nhà, cho bác sĩ biết bệnh về sản khoa của mẹ chúng - những điều mà chúng chẳng hề được chỉ dẫn trong văn hóa của chúng. Chúng ta phải hết sức quý trọng các cháu vì chúng đã phải tự lập và phải đương đầu với cuộc đời quá sớm. Mặc dù người di tản Việt Nam đã gặp rất nhiều trở ngại và thử thách nhưng họ đã hội nhập rất nhanh và đã trở thành những công dân sáng giá trong xã hội Canada. Mặc dù cuộc đời của họ đã gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng, họ đã có một tương lai tươi sáng. Tuy rằng các nhân viên Canada đã phải làm việc trong rừng sâu hay tại những hoang đảo trong các trại tỵ nạn tại vùng Đông Nam Á, nhưng họ cảm thấy vinh dự và được đền bù về phần tinh thần. Vinh dự là vì họ đã dám chịu đựng các nguy hiểm, khó khăn và thử thách trong thời gian làm việc ở trại tỵ nạn để đóng góp cho lịch sử đất nước Canada thêm phần phong phú. Điều quan trọng nhất là họ đã có cơ hội để giúp đỡ những người tỵ nạn vào lúc khốn cùng nhất trong cuộc đời của họ để rồi cuối cùng chính những người tỵ nạn này đã đóng góp rất nhiều điều hữu ích cho đất nước Canada. Đoạn kết Cuốn sách của chúng tôi đến đây là chấm dứt. Câu chuyện thì vẫn còn dài. Sau khi hoàn tất tác phẩm “Running on Empty” hai tác giả Mike Molloy và Peter Duschinsky đã tham gia vào nhóm “Trái Tim Của Tự Do” (Hearts of Freedom) của Đại Học Carleton tại Ottawa. Trong khi cuốn sách “Còng Lưng Vẫn Gánh” mô tả những câu chuyện về Thuyền Nhân vùng Đông Nam Á qua con mắt của các chính trị gia và các viên chức của Canada, nhóm “Trái Tim của Tự Do” đã ghi lại những mẩu chuyện và kinh nghiệm của những người tỵ nạn. Trong vòng ba năm, nhóm thiện nguyện viên của “Trái Tim của Tự Do” đã đi khắp các tỉnh bang của Canada từ Đông sang Tây để thu lại phần phỏng vấn của 87 người tỵ nạn gốc Việt, 28 người tỵ nạn gốc Lào, 30 người tỵ nạn gốc Cam Bốt qua các cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 60 đến 90 phút. Họ cũng đã phỏng vấn 28 người Canada đã từng tham gia trong phong trào “Người Tỵ Nạn Đông Dương”, trong đó có cả cựu Thủ Tướng Joe Clark. Dựa trên những dữ kiện của những cuộc phỏng vấn này, một cuốn phim tài liệu lịch sử và một quyển sách dưới cùng một tựa đề “Trái Tim của Tự Do” (Hearts of Freedom) Những mẩu chuyện của Người Tỵ Nạn Đông Nam Á” sẽ được thực hiện và ra mắt độc giả trong năm 2022. Đặc biệt quyển sách “Trái Tim của Tự Do” còn ghi lại rất nhiều diễn biến lịch sử liên quan đến Việt Nam từ năm 1975 đến 1997 mà quý độc giả muốn tìm hiểu thêm nên tìm đọc cho biết. Hai cuốn sách “Còng Lưng Vẫn Gánh” và “Trái Tim của Tự Do” nói lên và cho thấy Cộng Đồng Người Đông Nam Á đang vươn lên mạnh mẽ trong một phần lịch sử của Canada. Sách dày 400 trang với 60 trang hình ảnh trong đó có 12 trang hình màu in trên giấy trắng. Giá sách tượng trưng là $25 một cuốn. (pick up, không bao gồm tiền gởi nếu cần) Liên lạc mua sách: - Ottawa: Chị Bạch Mai: email: thibachmainguyen@rocketmail.com - Montreal : Anh Trần Văn Nhã email: tonytran1999@gmail.com - Toronto: Anh Đàm Trung Phán email: phandam@gmail.com - Calgary: Chị Tuyết Lâm email: tlam4783@gmail.com -Edmonton: Anh Hoàng Đình Trí email: hoangdt50@gmail.com - Vancouver: Anh Bùi Đức Tính email: bdt235@gmail.com |